|
Các bệnh viện ở Dải Gaza đang quá tải và sẽ cạn kiệt nhiên liệu trong những giờ tới nếu không được viện trợ khẩn cấp. Ảnh: Anadolu Agency |
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, ông Ahmed al-Mandhari, cảnh báo rằng nếu viện trợ không được phép đưa vào lãnh thổ đang bị bao vây này, các bác sĩ sẽ phải “chuẩn bị giấy chứng tử cho bệnh nhân của họ”.
Ngày 16/10 đánh dấu 10 ngày Israel không kích không ngừng vào các mục tiêu ở vùng đất Palestine, nhằm trả đũa vụ tấn công ngày 7/10 của phiến quân Hamas có trụ sở tại Gaza khiến 1.400 người, chủ yếu là dân thường, ở miền nam Israel thiệt mạng.
Gaza hiện đang đứng trước “một thảm họa thực sự”, ông Mandhari nói.
Bộ y tế do Hamas kiểm soát ở Dải Gaza cho biết khoảng 2.750 người đã thiệt mạng và 9.700 người bị thương trong khi theo Liên Hiệp Quốc, 1 triệu người đã phải di dời.
Mất điện có nguy cơ làm tê liệt các hệ thống hỗ trợ sự sống, từ nhà máy khử mặn nước biển đến các phòng kỹ thuật ở bệnh viện hay tủ lạnh giữ thực phẩm ở các gia đình.
Trong khi đó, thiếu nước khiến ngay cả những hoạt động hàng ngày như đi vệ sinh, tắm rửa và giặt quần áo của người dân địa phương cũng gần như không thể thực hiện được.
Ông Mandhari nói rằng lực lượng ứng phó khẩn cấp đã không thể đáp ứng nổi, các bác sĩ phải làm việc suốt ngày đêm và thiếu không gian nghiêm trọng… tình trạng quá tải này đã làm tê liệt các bệnh viện, nơi “các đơn vị chăm sóc đặc biệt, phòng phẫu thuật, dịch vụ cấp cứu và các khu vực khác” đều đang trên bờ vực sụp đổ.
Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz hôm 15/10 cho biết nguồn cung cấp nước cho miền nam Gaza đã được bật trở lại, một tuần sau khi Israel tuyên bố “bao vây hoàn toàn” và cắt nguồn cung cấp nước, điện và nhiên liệu cho vùng lãnh thổ này.
Trong các cuộc oanh tạc bằng không quân và pháo binh, WHO đã ghi nhận 111 cơ sở y tế bị nhắm mục tiêu, 12 nhân viên y tế thiệt mạng và 60 xe cứu thương bị đánh bom - đây là điều vi phạm cả “luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo”, ông Mandhari khẳng định.
Không còn lựa chọn khác
Được biết, hiện tổng cộng có 22 bệnh viện ở phía bắc Gaza đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân, bao gồm “một số bệnh nhân sử dụng máy thở và một số người cần chạy thận nhân tạo thường xuyên, bên cạnh trẻ em, trẻ sơ sinh và phụ nữ”. Đáng lo ngại, các bệnh viện trong khu vực đã hết nước sạch, trong khi “tình trạng thiếu nhiên liệu tiếp tục đe dọa nguồn cung cấp điện”.
Khi nguồn lực y tế cạn kiệt, ông Mandhari nói rằng các bác sĩ - những người biết rằng họ không thể cứu được tất cả mọi người - đang phải đưa ra những lựa chọn bất khả thi.
“Họ phải phân loại những bệnh nhân mới đến. Họ không có lựa chọn nào khác. Có quá nhiều bệnh nhân nên một số người bị bỏ lại cho đến chết dần chết mòn”.
Trước hiện thực tàn khốc đó, ông Mandhari hôm qua nhấn mạnh: Viện trợ phải được phép vào Dải Gaza trong vòng 24 giờ tới, trước khi tình hình trở nên hoàn toàn không thể kiểm soát được.
Các đoàn xe viện trợ quốc tế đang chờ ngay bên kia biên giới với Ai Cập, nhưng họ không được phép đến gần thị trấn El Arish của Ai Cập, cách cửa khẩu Rafah 50 km - tuyến đường duy nhất ra vào Dải Gaza không do Israel kiểm soát.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cáo buộc Israel ngăn chặn viện trợ, bất chấp “các yêu cầu liên tục” từ Cairo.
Dưới sự phong tỏa chung giữa Israel và Ai Cập kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, Israel thực sự có tiếng nói trong việc vận chuyển tất cả hàng hóa và người ra vào lãnh thổ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trở lại Israel hôm qua sau khi di chuyển giữa các quốc gia Ả Rập, với hy vọng tìm cách giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
Ông cho biết Mỹ đã bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu David Satterfield để thảo luận về viện trợ cho Gaza.
Theo LHQ, Giám đốc nhân đạo của LHQ Martin Griffiths sẽ tới Trung Đông vào hôm nay “để cố gắng hỗ trợ trong các cuộc đàm phán” về tiếp cận viện trợ.
“Chúng tôi đang thảo luận sâu với Israel, Ai Cập và các bên khác khác”, ông Griffiths cho hay.