|
Người dân tập thể dục ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Các phát hiện này chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại về việc không hoạt động thể chất ở người trưởng thành, đã tăng khoảng 5 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2022.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, mức độ không hoạt động thể chất được dự báo sẽ tăng thêm lên mức 35% vào năm 2030, và thế giới hiện không thể đạt được mục tiêu toàn cầu là giảm tình trạng không hoạt động thể chất vào năm 2030.
Được biết, WHO khuyến nghị người trưởng thành nên có 150 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải mỗi tuần, hoặc 75 phút hoạt động thể chất với cường độ mạnh hoặc tương đương. Không hoạt động thể chất khiến người trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn như đau tim và đột quỵ, tiểu đường loại 2, chứng mất trí nhớ và các bệnh ung thư như ung thư vú và ruột kết.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của WHO, cùng với các đồng nghiệp học thuật, và được công bố trên Tạp chí The Lancet Global Health.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Những phát hiện mới này nêu bật cơ hội bị đánh mất trong việc giảm ung thư và bệnh tim, cũng như cải thiện sức khỏe tâm thần thông qua việc tăng cường hoạt động thể chất”.
“Chúng ta phải đổi mới các cam kết về việc tăng mức độ hoạt động thể chất và ưu tiên những hành động mạnh mẽ, bao gồm tăng cường các chính sách và tăng nguồn tài trợ để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này”, người đứng đầu WHO nói thêm.
Trong đó, tỷ lệ không hoạt động thể chất cao nhất được ghi nhận ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có thu nhập cao (ở mức 48%) và Nam Á (ở mức 45%), với mức độ không hoạt động thể chất ở các khu vực khác dao động từ 28% ở những quốc gia phương Tây có thu nhập cao cho đến 14% ở châu Đại Dương.
Điều đáng lo ngại là vẫn còn sự chênh lệch giữa giới tính và độ tuổi. Việc không hoạt động thể chất vẫn phổ biến hơn ở phụ nữ trên toàn cầu so với nam giới, với tỷ lệ không hoạt động là 34% so với 29%.
Ở một số quốc gia, sự khác biệt này lên tới 20 điểm phần trăm. Ngoài ra, những người trên 60 tuổi ít vận động hơn những người trưởng thành khác, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoạt động thể chất cho người lớn tuổi.
“Không hoạt động thể chất là mối đe dọa thầm lặng đối với sức khỏe toàn cầu, góp phần đáng kể vào gánh nặng bệnh mãn tính. Chúng ta cần tìm ra những phương pháp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy mọi người vận động nhiều hơn, có tính đến các yếu tố như tuổi tác, môi trường và nền tảng văn hóa. Bằng cách làm cho hoạt động thể chất có thể tiếp cận được, giá cả phải chăng và thú vị cho tất cả mọi người, chúng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, và tạo ra một dân số khỏe mạnh hơn và năng suất hơn”, ông Rüdiger Krech, Giám đốc Xúc tiến y tế của WHO nhận định.
Mặc dù những kết quả đáng lo ngại, vẫn có một số dấu hiệu cải thiện ở một số quốc gia. Nghiên cứu cho thấy, gần một nửa số quốc gia trên thế giới đã đạt được một số cải thiện trong thập kỷ qua, và 22 quốc gia được xác định là có khả năng đạt được mục tiêu toàn cầu là giảm 15% tỷ lệ không hoạt động vào năm 2030, nếu xu hướng của họ được tiếp tục với tốc độ tương tự.
Trước những phát hiện này, WHO đang kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện chính sách nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho hoạt động thể chất thông qua thể thao cộng đồng và cơ sở, cũng như giải trí và di chuyển tích cực (đi bộ, đạp xe và sử dụng phương tiện giao thông công cộng), cùng với các biện pháp khác.
Bên cạnh đó, cần có những nỗ lực tập thể dựa trên quan hệ đối tác giữa các bên liên quan của chính phủ và phi chính phủ, cũng như tăng cường các khoản đầu tư vào những phương pháp đổi mới sáng tạo để tiếp cận những người ít vận động nhất, và giảm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các biện pháp thúc đẩy và cải thiện hoạt động thể chất.