|
Khoảng 100 hóa chất trong số đó được xem là “mối quan ngại cao” đối với sức khỏe. Ảnh minh họa: Pexels/TTXVN |
Khoảng 100 trong số các hóa chất này được coi là “mối quan ngại cao” đối với sức khỏe, bà Birgit Geueke, tác giả chính của nghiên cứu, đến từ Diễn đàn Bao bì thực phẩm (FPF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ lưu ý.
Một số hóa chất đã được nghiên cứu tương đối kỹ lưỡng, và được tìm thấy trong cơ thể con người, chẳng hạn như PFAS (chất per- và polyfluoroalkyl) và chất bisphenol A. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa được biết rõ về tác động của những chất khác đối với sức khỏe. Qua đó, bà Birgit Geueke kêu gọi nghiên cứu thêm về cách các hóa chất sử dụng trong bao bì được hấp thụ cùng với thực phẩm.
Trong những năm gần đây, PFAS, còn được gọi là hóa chất vĩnh cửu đã được phát hiện ở nhiều bộ phận của cơ thể con người, và có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe. Bên cạnh đó, bisphenol A, một hóa chất gây rối loạn nội tiết, được sử dụng để sản xuất nhựa đã bị cấm trong bình sữa trẻ em ở nhiều quốc gia. Một hóa chất gây rối loạn nội tiết khác là phthalate, có liên quan đến tình trạng vô sinh…
“Hầu như không có bằng chứng nào về tác động của những hóa chất này đối với sức khỏe”, tác giả chính của nghiên cứu lưu ý.
Các nhà nghiên cứu trước đây đã lập danh mục khoảng 14.000 hóa chất tiếp xúc với thực phẩm (FCC), có khả năng “di chuyển” vào thực phẩm từ bao bì làm bằng nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại hoặc các vật liệu khác. Những hóa chất này cũng có thể đến từ các thành phần khác của quá trình chế biến thực phẩm, chẳng hạn như từ băng chuyền hoặc đồ dùng nhà bếp.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm những hóa chất này trong các cơ sở dữ liệu giám sát sinh học hiện có, cơ sở chuyên theo dõi hóa chất trong các mẫu của con người.
Theo bà Birgit Geueke, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 3.601 FCC, tương đương 1/4 trong số tất cả các FCC được biết đến. Ngoài ra, nghiên cứu này không thể chỉ ra rằng, tất cả các hóa chất này nhất thiết đi vào cơ thể người từ bao bì thực phẩm, vì “có thể có những nguồn tiếp xúc khác”, và cũng không thể nói liệu có nồng độ đặc biệt cao của bất kỳ loại hóa chất nào hay không.
Tuy nhiên, các hóa chất này có thể tương tác với nhau, khi một mẫu duy nhất có tới 30 loại PFAS khác nhau, bà Birgit Geueke cảnh báo; đồng thời khuyến nghị mọi người nên giảm thời gian tiếp xúc với bao bì, và tránh hâm nóng thực phẩm trong bao bì.
Được biết, một số hóa chất đang đối mặt với lệnh cấm. Liên minh châu Âu (EU) đang trong giai đoạn cuối cùng của lệnh cấm sử dụng PFAS trong bao bì thực phẩm. EU cũng đề xuất lệnh cấm tương tự đối với bisphenol A từ cuối năm nay.