Thế giới

Hướng đến một ASEAN mạnh mẽ hơn hậu đại dịch

ClockThứ Bảy, 23/01/2021 09:04
TTH.VN - Đại dịch COVID-19 đã gây ra những gián đoạn kinh tế - xã hội nghiêm trọng trong khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bộc lộ những điểm yếu và những điểm dễ bị tổn thương cơ bản trong nhiều lĩnh vực.

ASEAN: Những vấn đề chính trong phục hồi kinh tế sau đại dịchTuần lễ ASEAN thúc đẩy giao lưu thanh niên và chuyên gia Nga-ASEANThủ tướng dự khai mạc Hội nghị thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEANThượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ 17 là bước ngoặt với quan hệ song phương hậu Covid-19ASEAN, Liên Hiệp Quốc hợp tác chống lại đại dịch và thúc đẩy rà phá bom mìn

Với những chính sách thích đáng và phù hợp, ASEAN đang nỗ lực phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn hậu đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Giải Phóng Online

Tuy nhiên, với những biện pháp ổn định ở các quốc gia bao gồm Việt Nam và Singapore, cùng lời hứa về việc triển khai vaccine, giới chuyên gia vẫn lạc quan về viễn cảnh về một sự phục hồi nhanh chóng.

Nếu tăng trưởng của khu vực được phục hồi trở lại như giai đoạn trước đại dịch, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030. Để đạt được điều này, khu vực phải ưu tiên một số hành động chính để hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững và ổn định.

Đảm bảo hợp tác hiệu quả

Hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên ASEAN là nguyên tắc cơ bản cho cộng đồng khu vực kể từ khi thành lập. Đại dịch, khủng hoảng y tế vốn không phân biệt biên giới quốc gia, và điều này càng thúc đẩy việc tăng cường hành động phối hợp để triển khai những sáng kiến và chương trình hiện có của khu vực, đóng góp vào sự hội nhập sâu rộng hơn của khối.

Cùng với nhau, các chính phủ ASEAN nhất trí thiết lập Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN, thành lập Kho Dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN và gần đây nhất đã thông qua Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN và Kế hoạch thực hiện (ACRF). Khuôn khổ đưa ra các chiến lược rộng rãi và thực hiện các biện pháp để giải quyết những thách thức kinh tế - xã hội của khu vực trong 3 giai đoạn khác nhau, từ giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế ngắn hạn đến giai đoạn phục hồi trung và dài hạn, cũng như khả năng phục hồi và sự bền vững trong tương lai dài hạn.

Bên cạnh hợp tác giữa các thành viên, ASEAN cũng tích cực hợp tác đa phương với các đối tác bên ngoài. Cụ thể, ASEAN đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 5 nước đối tác bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia & New Zealand.

Đại diện cho 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới, RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất cho đến thời điểm này và được dự đoán sẽ đóng góp thêm 186 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới thông qua cải thiện thương mại khu vực.

ASEAN cũng thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác công - tư, đặc biệt là khi ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng trong tương lai và giải quyết các vấn đề khu vực, giải quyết khoảng cách về cơ sở hạ tầng, khoảng cách tài chính và khoảng cách kỹ năng. Trong thời gian đại dịch, các ví dụ về mối quan hệ đối tác này bao gồm sự hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, các nhà tài trợ và các cơ quan nhân đạo để cung cấp các nguồn cung hợp vệ sinh, cung cấp một ứng dụng y tế di động miễn phí, hình thành liên minh hành động theo từng quốc gia cụ thể và khởi động hành động chung để nâng cao hiệu quả trong nhập khẩu vaccine COVID-19 và các thiết bị y tế khác.  

Mở rộng kết nối và chuyển đổi kỹ thuật số

Có thể nói, ASEAN đã nhanh chóng giải quyết việc gián đoạn chuỗi cung ứng và kết nối - những vấn đề ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Kế hoạch hành động của Hà Nội về Tăng cường Hợp tác Kinh tế ASEAN và Kết nối chuỗi cung ứng nhằm đối phó với Đại dịch COVID-19 là một phản ứng tập thể nhằm thúc đẩy hợp tác trong dòng chảy các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, thuốc men và vật tư y tế, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực.

Không dừng lại ở đó, ASEAN cũng đang phát triển một chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để bổ sung cho chuỗi những nỗ lực của ASEAN, Sáng kiến ASEAN Kỹ thuật số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang tập hợp mọi người lại với nhau để theo đuổi các giải pháp về chính sách dữ liệu, kỹ thuật số, thanh toán điện tử và an ninh mạng.

Sự chuyển đổi sang kỹ thuật số, cùng với đầu tư thích đáng trong chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng kỹ thuật số sẽ giúp tinh thần kinh doanh phát triển mạnh mẽ.

Đầu tư vào tính bền vững

Cần phải nhấn mạnh rằng, ASEAN phải hướng đến 2 mục tiêu bao gồm giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch và khuyến khích đầu tư thân thiện với môi trường. Tính bền vững được liệt kê là 1 trong 5 chiến lược chính cho các nỗ lực phục hồi của cộng đồng.

Dựa trên các sáng kiến hiện có bao gồm Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN, Tiêu chuẩn Trái phiếu xã hội ASEAN, Tiêu chuẩn Trái phiếu bền vững ASEAN và Quỹ Tài chính xanh xúc tác ASEAN, cộng đồng cũng tạo ra các chỉ số về Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Chương trình Hành động Nhựa toàn cầu của WEF đã khởi động hai quan hệ đối tác trong khu vực, cụ thể là ở Indonesia và Việt Nam để giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa.

Với những tiến bộ công nghệ cho phép ứng dụng rộng rãi hơn năng lượng sạch và tái tạo, cũng như những thay đổi nhanh chóng về chính sách, quy định thương mại và niềm tin tiêu dùng, ASEAN nên hợp tác với các đối tác, cơ quan phát triển và khu vực tư nhân để hỗ trợ đầu tư của khu vực trong một tương lai trong sạch hơn.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top