|
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024. Ảnh minh họa: Dallasnews/Vietnam+ |
Với dự báo mới, tổng doanh thu ngành hàng không năm 2024 sẽ tăng 7,6% so với mức dự kiến 896 tỷ USD của năm nay, trong khi lợi nhuận ròng sẽ tăng khoảng 10% so với mức lợi nhuận ước tính 23,3 tỷ USD trong năm 2023.
Cũng theo IATA, khoảng 4,7 tỷ người dự kiến sẽ di chuyển bằng đường hàng không trong năm 2024 - một mức cao mới sẽ vượt mốc 4,5 tỷ người trước đại dịch vào năm 2019. Khối lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến sẽ lần lượt đạt 58 triệu tấn và 61 triệu tấn vào năm 2023 và 2024.
“Xét đến những khoản lỗ lớn trong những năm gần đây, khoản lãi ròng 25,7 tỷ USD dự kiến vào năm 2024 là minh chứng cho khả năng phục hồi của ngành hàng không. Mọi người thích đi du lịch và điều đó đã giúp các hãng hàng không trở lại mức độ kết nối như trước đại dịch”, Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh nói và cho rằng đây là sự phục hồi “phi thường”, tuy nhiên có vẻ như đại dịch đã khiến ngành hàng không mất đi khoảng 4 năm tăng trưởng.
Đáng lưu ý, mặc dù mô tả sự phục hồi này rất ấn tượng nhưng ông Walsh cũng cho biết khoản lợi nhuận 25,7 tỷ USD trong năm 2024 tương ứng với tỷ suất lợi nhuận ròng là 2,7% - “thấp hơn nhiều” so với mức chấp nhận được của các nhà đầu tư ở hầu hết các ngành khác.
“Tất nhiên, nhiều hãng hàng không đang hoạt động tốt hơn mức trung bình đó và nhiều hãng đang gặp khó khăn. Nhưng có một điều cần rút ra từ thực tế là, trung bình, các hãng hàng không sẽ chỉ giữ lại 5,45 USD từ mỗi hành khách sử dụng dịch vụ… Số tiền đó có thể đủ để mua một cốc cà phê tại một quán Starbucks ở London, nhưng là quá ít để xây dựng một tương lai có khả năng chống chịu trước những cú sốc cho một ngành công nghiệp quan trọng đóng góp 3,5% GDP toàn cầu và tạo sinh kế trực tiếp cho 3,05 triệu người trên thế giới”, ông Walsh nhấn mạnh.
Theo IATA, mặc dù các hãng hàng không luôn phải cạnh tranh “dữ dội” để giành được khách hàng nhưng họ vẫn phải chịu quá nhiều gánh nặng bởi các quy định phiền hà, sự phân mảnh, chi phí cơ sở hạ tầng cao và chuỗi cung ứng có nhiều độc quyền nhóm.
Báo cáo của IATA cho biết khoảng 40,1 triệu chuyến bay sẽ được thực hiện trên toàn thế giới vào năm 2024, vượt mức 36,8 triệu chuyến của năm 2023 và 38,9 triệu chuyến của năm 2019.
Doanh thu từ hành khách năm 2024 sẽ tăng lên 717 tỷ USD, tăng 12% so với 642 tỷ USD năm 2023, trong khi chi phí sẽ tăng 6,9%.
Với giá trị 281 tỷ USD, nhiên liệu sẽ chiếm 31% chi phí vận hành do giá dầu thô cao, với mức chênh lệch giá giữa dầu thô và các sản phẩm được tinh chế từ dầu thô sẽ đạt trung bình 30% vào năm 2024.
Báo cáo cũng cho biết, tăng trưởng doanh thu nói chung vẫn được kỳ vọng sẽ vượt xa mức tăng trưởng của chi phí (lần lượt là 7,6% và 6,9%), giúp củng cố lợi nhuận.
Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành hàng không cũng rất “mong manh”, với nhiều yếu tố có thể đẩy ngành này vào tình trạng báo động đỏ, bao gồm các điều kiện kinh tế vĩ mô như lãi suất và lạm phát cao, cuộc chiến ở Ukraine và xung đột Israel-Hamas, cũng như giá dầu đang ngày càng tăng. Ngoài ra, sự gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến việc bảo trì và sẵn sàng sử dụng máy bay.
Phục hồi không đồng đều
Theo phân tích của IATA, sự phục hồi của ngành hàng không cũng không đồng đều, với hiệu quả hoạt động giữa các khu vực rất khác nhau. Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông sẽ tăng lợi nhuận vào năm 2024, trong khi châu Phi và Nam Mỹ được dự báo sẽ thua lỗ kéo dài.
Đáng lưu ý, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ chuyển từ khoản lỗ 100 triệu USD trong năm nay sang đạt lợi nhuận ròng 1,1 tỷ USD vào năm 2024 - tương ứng với tỷ suất lợi nhuận 0,5% - khi ngành du lịch quốc tế phục hồi hoàn toàn.
IATA cho biết du lịch đến và đi từ châu Á-Thái Bình Dương đã giảm trong năm 2023, vì Trung Quốc chỉ dỡ bỏ hạn chế đi lại cuối cùng từ giữa năm nay. Trong tình hình hiện tại, du lịch quốc tế của Trung Quốc vẫn ở mức thấp hơn 40% so với trước đại dịch.
Về triển vọng phía trước, IATA nhận định ngành công nghiệp hàng không này có thể ổn định hơn sau những thăng trầm do đại dịch gây ra. “Từ năm 2024, triển vọng cho thấy chúng ta có thể mong đợi các mô hình tăng trưởng đồng đều hơn đối với cả hành khách và hàng hóa”, báo cáo IATA nêu rõ.