Thế giới

IMF: Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn rất quan trọng cho sự phục hồi toàn cầu

ClockChủ Nhật, 17/12/2023 17:14
TTH.VN - Trong cuộc họp mới của chính phủ Trung Quốc về Công tác Kinh tế Trung ương, các nhà lãnh đạo nước này đã đưa ra những ưu tiên cho công tác kinh tế của đất nước vào năm 2024. Tại đây, nền kinh tế Trung Quốc được ghi nhận đã có sự phục hồi, với những tiến bộ vững chắc đạt được trong phát triển chất lượng cao vào năm 2023.

Kinh tế toàn cầu có thể tránh được suy thoái vào năm 2024Thương mại kỹ thuật số thúc đẩy tăng trưởng của châu Á - Thái Bình DươngOECD dự báo GDP của Thái Lan sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2024S&P Global: Ấn Độ sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong vài năm tớiSự chững lại của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của Đông Nam Á

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tạo ra lực đẩy đáng hoan nghênh cho nhu cầu toàn cầu. Ảnh minh hoạ: Tạp chí Tài chính

Nhờ hiệu suất tiêu dùng trong quý III tốt hơn mong đợi, cộng thêm hỗ trợ chính sách của chính phủ được công bố gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo về tình hình kinh tế của Trung Quốc. Cụ thể, tăng trưởng GDP của năm 2023 đã được điều chỉnh tăng từ mức 5% đưa ra hồi tháng 10 lên 5,4%.

Phóng viên Liu Yang của hãng tin Global Times (GT) đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Đại diện thường trú cấp cao của IMF tại Trung Quốc Steven Alan Barnett về quan điểm đối với các sáng kiến chính sách quan trọng của nước này. Trong đó lưu ý, tiêu dùng hộ gia đình sẽ là một khía cạnh quan trọng trong tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc và nền kinh tế Trung Quốc vẫn tạo ra lực đẩy đáng hoan nghênh cho nhu cầu toàn cầu.

GT: Theo ông, những sáng kiến chính sách kinh tế nào sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc?

Steven Alan Barnett: Có thể nói rằng, có hai lĩnh vực chính sách có liên quan chặt chẽ với nhau sẽ là chìa khoá thúc đẩy phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới.

Đầu tiên, quản lý quá trình chuyển đổi sang trạng thái cân bằng mới trên thị trường bất động sản. Trong đó, mục tiêu của chính quyền về việc thiết kế những điều chỉnh cần thiết trên thị trường bất động sản đã được hoan nghênh. Dù vậy, thách thức là giảm thiểu chi phí kinh tế của quá trình chuyển đổi này và hạn chế rủi ro kinh tế.

Trong năm qua, nhiều biện pháp đáng hoan nghênh đã được đưa ra để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Trong tương lai, việc thực hiện gói chính sách toàn diện sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Các khía cạnh chính của gói hỗ trợ điều chỉnh sẽ bao gồm những nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho sự rút lui của các nhà phát triển đã vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, đồng thời bảo vệ lợi ích của người mua nhà. Những bước đi này cũng sẽ giúp khôi phục niềm tin vào thị trường nhà ở.

Thứ hai, thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ. Theo đó, Trung Quốc có không gian chính sách để đảm bảo sự phục hồi và bù đắp chi phí kinh tế của việc điều chỉnh tài sản. Về mặt tài chính, việc định hướng lại chính sách theo hướng hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình có thể thúc đẩy tăng trưởng mà không làm tăng thâm hụt tài chính. Điều này có thể bao gồm các biện pháp tăng cường các chương trình hỗ trợ hộ gia đình có thu nhập thấp và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội. Về chính sách tiền tệ, thúc đẩy nới lỏng hơn nữa thông qua việc cắt giảm lãi suất bổ sung sẽ hỗ trợ nền kinh tế.

GT: Về mục tiêu phát triển kinh tế năm 2024, ông nghĩ mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc cho năm 2024 sẽ như thế nào?

Steven Alan Barnett: Về vấn đề tăng trưởng, then chốt là chất lượng tăng trưởng.

Về con số, dự báo mới nhất mà IMF đưa ra là nền kinh tế Trung Quốc sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 4,6% vào năm 2024.

GT: Ông kỳ vọng gì đối với nền kinh tế thế giới vào năm 2024? Nền kinh tế Trung Quốc sẽ đóng góp bao nhiêu vào tăng trưởng kinh tế thế giới?

Steven Alan Barnett: Trong dự báo toàn cầu mới nhất của IMF (bản cập nhật xuất bản vào tháng 10 vừa qua), các nhà kinh tế trưởng của IMF đã mô tả nền kinh tế toàn cầu “chỉ đi khập khiễng”, chứ không “chạy nước rút”.

Vậy tại sao lại đi khập khiễng? Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3% trong năm nay và tiếp tục chạm mốc 2,9% vào năm 2024. Trong hai thập kỷ trước đại dịch, tăng trưởng toàn cầu đạt trung bình 3,8%. Trên đây chính là minh hoạ cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang đi khập khiễng, chứ không phải chạy nước rút.

Một ví dụ khác là nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những vết sẹo đáng kể do chuỗi các cú sốc bắt đầu từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong đó vết sẹo lớn nhất nằm ở những nền kinh tế ít có khả năng chi trả nhất.

Mức GDP ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp được dự báo sẽ thấp hơn 6% so với dự đoán đưa ra trước dịch. Ngược lại, vết sẹo mà các nền kinh tế tiên tiến trải qua sẽ chiếm khoảng 1%. Điều này nhấn mạnh sự phục hồi toàn cầu cũng không đồng đều và chậm chạm. Qua đây, IMF chỉ ra tầm quan trọng của việc cộng đồng toàn cầu phải cùng hợp tác để hỗ trợ quá trình phục hồi ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương.

Đối với Trung Quốc, tháng trước, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 của nước này lên 4,6%. Với tốc độ này, Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024.

Trong một diễn biến có liên quan, nhìn vào kinh tế thế giới, hội nhập kinh tế đã giúp hàng tỷ người trở nên giàu có hơn, khoẻ mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng hàng hoá và vốn xuyên biên giới đã chững lại. Trong khi đó, căng thẳng thương mại đang gia tăng trên toàn cầu trong bối cảnh hạn chế thương mại mới gia tăng. Nghiên cứu của IMF cho thấy, chi phí dài hạn của việc phân mảnh thương mại có thể lên đến 7% GDP toàn cầu.

Thay vì phân mảnh, một lần nữa thế giới cần thương mại trở thành động lực tăng trưởng. Điều này cần bắt đầu với việc thế giới dỡ bỏ những hạn chế thương mại gây tổn hại và các khoản trợ cấp không phù hợp vốn đã được áp đặt trong những năm gần đây. Cùng với đó, cần tiếp tục những bước đi tích cực để củng cố hệ thống thương mại đa phương.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nhiều sáng kiến khác nhau tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những nỗ lực của nước này sẽ được thực hiện nhằm khôi phục cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả hơn…

Đan Lê (Lược dịch từ Global Times)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Return to top