Nhiều hàng quán phải đóng cửa, thậm chí phá sản vì đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Getty Image
Làn sóng vỡ nợ và phá sản
Theo ước tính mới nhất của các chuyên gia kinh tế IMF, nền kinh tế toàn cầu đã giảm 3,3% trong năm 2020 sau cuộc suy thoái kinh hoàng dưới tác động của sự bùng phát đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới vào đầu mùa xuân năm ngoái. Mặc dù mức giảm này không nghiêm trọng như dự báo giảm đến 3,5% được đưa ra 3 tháng trước, nhưng đây vẫn là con số tồi tệ nhất mà IMF từng ghi nhận. Các chuyên gia của IMF thậm chí còn cho rằng, nếu không có 16.000 tỷ USD viện trợ của các chính phủ trên toàn cầu để giúp duy trì các doanh nghiệp và hỗ trợ người tiêu dùng trong thời gian phong toả vì COVID-19, thì sự suy thoái năm ngoái có thể còn tồi tệ hơn gấp 3 lần, và làn sóng phá sản của các doanh nghiệp cũng trầm trọng hơn.
Tiếp tục hỗ trợ thanh khoản
Thực tế, sự hỗ trợ thanh khoản dồi dào thông qua các khoản vay, bảo lãnh tín dụng và các biện pháp bảo đảm thanh toán các khoản nợ đã bảo vệ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trước nguy cơ phá sản trước mắt. Tuy nhiên, hỗ trợ thanh khoản không thể giải quyết triệt để các vấn đề về khả năng thanh toán. Khi các doanh nghiệp tích lũy các khoản lỗ và tiếp tục đi vay để duy trì hoạt động, họ có nguy cơ trở nên mất khả năng thanh toán, tức là gánh nợ quá nhiều so với khả năng trả nợ của bản thân doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của IMF, đại dịch có thể sẽ đẩy tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ mất khả năng thanh toán từ 10% lên 16% vào năm 2021 ở 20 nền kinh tế tiên tiến, chủ yếu ở châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mức độ của sự gia tăng này được cho là sẽ tương tự như sự gia tăng làn sóng đóng cửa trong 5 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhưng nó sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Các vụ vỡ nợ dự kiến khiến khoảng 20 triệu việc làm gặp rủi ro, tương đương với hơn 10% lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và gần bằng tổng số lao động hiện đang thất nghiệp ở các quốc gia được phân tích.
Hơn nữa, 18% doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể trở nên kém thanh khoản (có thể không có đủ tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trước mắt), nhấn mạnh nhu cầu cần được tiếp tục hỗ trợ thanh khoản.
So với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, lần này các chính phủ đã có sự hỗ trợ khả năng thanh toán rõ ràng hơn. Điều này được cho là do mức độ nghiêm trọng của vấn đề, khi những tổn thất của các vụ phá sản đối với xã hội vượt xa chi phí đơn lẻ với riêng các con nợ và chủ nợ.
Tăng cường cơ chế tái cơ cấu nợ
Các chuyên gia kinh tế của IMF cho rằng, ngay cả với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, tình trạng mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có thể tăng lên. Do đó, một bộ công cụ toàn diện về tái cơ cấu nợ và điều kiện phá sản sẽ là cần thiết để hệ thống thủ tục phá sản có thể đối phó với những căng thẳng gia tăng. Những công cụ này bao gồm các cơ chế tái cấu trúc ngoài tòa án, tái cấu trúc kết hợp và siết chặt các thủ tục phá sản; ví dụ như tái tổ chức theo hướng đơn giản hóa cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. Vì việc đóng cửa doanh nghiệp có thể vẫn sẽ gia tăng ngay cả khi các thủ tục phá sản đang hoạt động tốt, chính phủ các nước có thể cung cấp các động lực tài chính để xoay cán cân theo hướng tái cơ cấu.
Trong dự báo mới nhất vừa được công bố ngày 7/4, IMF cho biết việc vaccine COVID-19 đang được phân phối và sử dụng để tiêm chủng rộng rãi cho người dân, cùng với các khoản viện trợ lớn từ các chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái do đại dịch. Theo đó, IMF kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, tăng so với mức dự báo 5,5% đã đưa ra hồi tháng Giêng.
Tuy vậy, để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ, chính phủ các nước phát triển cần phải giải quyết các rủi ro về những khó khăn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt. Việc kết hợp tiếp tục hỗ trợ thanh khoản và tăng cường cơ chế tái cấu trúc có thể được xem là những bước đi dài hướng tới mục tiêu đó.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp & lược dịch từ IMF & USNews)