|
Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm không khí ở Jakarta. Ảnh: AFP / Getty |
Jakarta và các thành phố xung quanh tạo thành một siêu đô thị với khoảng 30 triệu dân và nồng độ các hạt nhỏ trong không khí (PM 2.5) gần đây đã vượt qua các thành phố bị ô nhiễm nặng nề khác như Riyadh, Doha và Lahore, trong đó chất lượng không khí ở thủ đô Jakarta đã xuống đến mức nguy hiểm, trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào ngày 9/8 vừa qua, theo xếp hạng của công ty công nghệ Thụy Sĩ IQAir.
Trước tình hình đó, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi sự can thiệp khẩn cấp của chính phủ, chủ trì cuộc họp nội các với các bộ trưởng vào ngày 14/8 để thảo luận về tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng và kêu gọi người lao động ở thủ đô giảm bớt tắc nghẽn giao thông bằng cách làm việc tại nhà.
“Chất lượng không khí ở khu vực Greater Jakarta rất, rất tệ. Mùa khô kéo dài 3 tháng qua đã làm tăng mức độ ô nhiễm… Nếu thấy cần thiết, chúng tôi sẽ ủng hộ hệ thống làm việc xen kẽ, kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa”, Tổng thống Widodo nói.
Trước đó, các nhà hoạt động cáo buộc mức độ khói bụi độc hại cao là do các cụm nhà máy sản xuất và nhà máy nhiệt điện than ở gần thủ đô, nhưng chính phủ đã bác bỏ những tuyên bố đó, cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng gần đây của Jakarta chủ yếu là do thời tiết và giao thông.
Thông báo chính thức của chính phủ nói rằng kế hoạch làm việc tại nhà liên quan đến nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông trong thành phố trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng tới, cũng như “giảm mức độ ô nhiễm không khí ở Jakarta”.
Theo đó, 50% trong tổng số khoảng 50.000 công chức do chính quyền thủ đô Jakarta tuyển dụng (tính đến tháng 7/2023) được yêu cầu làm việc tại nhà trong khoảng thời gian từ 21/8 - 21/10. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 4/9 - 7/9, 75% công chức nhà nước ở thủ đô sẽ làm việc tại nhà.
Người phát ngôn chính quyền Jakarta Sigit Wijatmoko cho biết chính sách này sẽ áp dụng cho các văn phòng chính phủ nhưng không áp dụng cho bệnh viện, dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ, hoặc giao thông công cộng.
“Việc sắp xếp làm việc tại nhà sẽ không làm gián đoạn các dịch vụ công cộng”, ông Wijatmoko cho biết và tiết lộ thêm rằng các trường học nằm gần các địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng sẽ thực hiện hình thức học từ xa cho học sinh vào tháng 9.
Theo Quyền Thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono, chính quyền địa phương ở các thành phố vệ tinh xung quanh Jakarta cũng đang xem xét các cơ chế làm việc tại nhà tương tự cho công chức, nhưng trong thời gian ngắn hơn.
Được biết, chính quyền Jakarta sẽ giám sát việc thực hiện chính sách và có thể huỷ bỏ chương trình sớm hơn dự kiến nếu thấy không thành công.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí từ lâu đã gây khó khăn cho khu vực Greater Jakarta, trong đó các nhà máy sản xuất, nhà máy nhiệt điện than và tắc nghẽn giao thông đều góp phần tạo ra khói mù.
Phát biểu sau cuộc họp nội các khẩn cấp vào tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết chính phủ Indonesia đang xem xét “các bước cụ thể” để cải thiện chất lượng không khí của Jakarta về lâu dài, và kế hoạch thử nghiệm này là một trong nhiều biện pháp của chính phủ hướng đến mục tiêu trên. Gần đây, các nhà chức trách cũng đã công bố kế hoạch xây dựng 23 công viên mới nhằm cải thiện chất lượng không khí ở Jakarta.
Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan cho biết trọng tâm của các chính sách kiểm soát khí thải của chính phủ bao gồm việc tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và sản xuất điện.
“Như một nỗ lực để kiểm soát khí thải, chúng tôi sẽ yêu cầu các ngành công nghiệp sử dụng ‘máy lọc’ và cắt giảm các nhà máy điện đốt than. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện mở rộng và thắt chặt các cuộc kiểm tra khí thải trong thời gian tới”, ông Pandjaitan nói.
Theo các quan chức, khí thải từ phương tiện giao thông chiếm 44% ô nhiễm không khí ở Jakarta, tiếp theo là ngành năng lượng với 31% và ngành công nghiệp sản xuất chiếm 10%.