Để chống lại đại dịch, thế giới cần đảm bảo công bằng vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN/Vietnam+
Bất chấp thành quả này, bà Michelle Bachelet nhấn mạnh rằng “thực tế nghiệt ngã” là chỉ có khoảng 13% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm chủng, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập cao là gần 70%.
Mỗi tuần ghi nhận 60.000 ca tử vong
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, không hành động khẩn cấp có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến những người và những quốc gia dễ bị tổn thương nhất hành tinh.
Cụ thể, Tổng Giám đốc Tedros cho biết: “Chúng ta đang ở điểm chuyển giao trong lịch sử. Chúng ta có những công cụ để chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch nếu chúng ta triển khai hành động đúng cách và chia sẻ chúng một cách công bằng. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng đang làm suy yếu cơ hội đó. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao đang mở cửa trở lại, trong khi các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ xét nghiệm thấp lại bị bỏ lại phía sau. Kết quả là hơn 60.000 ca tử vong đã được ghi nhận mỗi tuần, cùng với đó là nguy cơ gia tăng sự xuất hiện của các biến thể mới”.
Sát cánh cùng Ukraine
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn còn đang căng thẳng, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ tình đoàn kết với các nhân viên y tế Ukraine.
“Ở Ukraine, hệ thống y tế phải vật lộn với COVID-19 và lượng Oxy, cũng như nguồn cung y tế thấp đến mức nguy hiểm, trong khi xung đột vẫn đang ở quanh họ. WHO đang cung cấp Oxy và các vật tư y tế khác như một phần trong gói viện trợ nhân đạo của mình. Tôi xin nhắc lại rằng bất kỳ xung đột nào nhằm vào bệnh viện, nhân viên y tế và các chuyến hàng vận chuyển y tế đều bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế; bất kỳ hành động nào như vậy đều là vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
Tiến trình triển khai hành động của Cơ chế COVAX
Ghi nhận sáng kiến COVAX giúp các nước nghèo nhất thế giới nhận được vaccine COVID-19 cứu sinh, Cao Ủy Michelle Bachelet thừa nhận rằng đã ghi nhận “một số tiến bộ gần đây” trong việc thu hẹp khoảng cách về công bằng vaccine.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế “Cần đẩy nhanh nỗ lực này bằng cách hỗ trợ Cơ chế COVAX để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine kịp thời, có thể dự đoán được và hiệu quả đến tất cả các quốc gia. Trong một thế giới phát triển, chúng ta không có lý do gì để hạn chế sự hào phóng của chúng ta, trong khi các báo cáo cho thấy rằng hàng chục triệu liều vaccine dư thừa đã hết hạn sử dụng và không thể dùng được”.
Bên cạnh đó, người đứng đầu về vấn đề Nhân quyền của Liên Hiệp quốc đã nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc về vaccine đã ảnh hưởng tiêu cực đến những quyền cơ bản của những người nghèo nhất thế giới, đặc biệt là về quyền phát triển của họ.
Theo đó, chủ nghĩa dân tộc về vaccine đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng. Trừ khi có thể đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập và bình đẳng đối với vaccine trên toàn cầu, việc dự trữ vaccine COVID-19 là không phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền của các quốc gia.
Năm đại dịch thứ ba
Khi thế giới trải qua năm thứ ba của COVID-19, cần có sự hợp tác nhiều hơn giữa các quốc gia để ngăn chặn đại dịch nhanh chóng.
“Chúng ta đang ở ngã ba đường. Bất bình đẳng đang phát triển. Chủ nghĩa dân tộc đang chống lại sự đoàn kết quốc tế... Bên cạnh đó, việc trì hoãn tiêm chủng có thể đồng nghĩa với việc mất đi một thập kỷ để phát triển. Chúng ta có nguy cơ mất đi một thế hệ thanh niên vì giáo dục kém và thất nghiệp. Các quốc gia sẽ trở nên kém hơn trong khả năng chống chọi với các cuộc khủng hoảng và cú sốc mới. Chính sự bất bình trước hậu quả nhân quyền của các biện pháp liên quan đến đại dịch có khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng xã hội và bạo lực, vấn đề vốn đã gia tăng trên khắp thế giới”.
Đan Lê (Lược dịch từ UN News)