|
Nhiều công ty vận tải biển buộc phải chuyển hướng tàu ra khỏi Biển Đỏ sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi. Ảnh: AFP/Laodong |
Giá vận chuyển các sản phẩm như xăng đã tăng vọt khi một số tàu phải di chuyển quãng đường xa hơn để tránh Biển Đỏ sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi. Điều này đã thắt chặt thị trường, ban đầu làm tăng chi phí của các tuyến đường dài qua Trung Đông, và giờ đây lan sang các chuyến đi trong khu vực châu Á.
Theo dữ liệu của Baltic Exchange, chi phí vận chuyển 35.000 tấn nhiên liệu từ Hàn Quốc đến Singapore đã tăng gần 50% trong tuần trước lên hơn 49.000 USD/ngày, mức cao nhất kể từ năm 2022. Tương tự, chi phí của các tàu chở dầu lớn hơn nối Trung Đông với Nhật Bản cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020.
Thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu thô và các sản phẩm liên quan – vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng dồn ứ, và càng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây sau khi tàu chở đầy nhiên liệu Marlin Luanda bị đốt cháy bởi tên lửa của lực lượng Houthi.
Ông Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vận tải toàn cầu tại Oil Brokerage, cho biết: “Vụ tấn công gần đây nhất nhằm vào một tàu chở dầu cho thấy mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn chứ hề không tốt lên”.
Cũng theo ông Singh, những sự chuyển hướng này đã dẫn đến nhu cầu về tàu chở dầu sạch chở các sản phẩm tinh chế tăng 3% và nhu cầu về tàu chở dầu bẩn tăng khoảng 1%.
Để đối phó với chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, các nhà sản xuất nhiên liệu buộc phải giảm giá hàng hóa để duy trì nguồn cung giá phải chăng cho khách hàng, trong bối cảnh nhu cầu mua dầu gas và nhiên liệu máy bay giảm nhẹ. Ví dụ, công ty lọc dầu SK Energy Co. đã bán 3 lô dầu diesel vào tuần trước với mức chiết khấu cao hơn trong khi hủy bỏ lời đề nghị mua một lô hàng nhiên liệu máy bay do giá thầu thấp.
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ leo thang đang gây lo ngại trên khắp các thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu thô và các sản phẩm liên quan, khi tình hình chưa có dấu hiệu lắng dịu. Tác động của các cuộc tấn công trả đũa do Mỹ dẫn đầu chống lại các cuộc tấn công của phiến quân Houthi càng làm tăng thêm sự phức tạp và không chắc chắn về những diễn biến trong tương lai.
Những sự gián đoạn này có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa trong toàn bộ chuỗi cung ứng khi các công ty phải vật lộn với chi phí vận chuyển cao hơn và nguy cơ chậm trễ trong việc nhận nhiên liệu thiết yếu. Khi căng thẳng vẫn tiếp diễn ở khu vực hàng hải quan trọng này, các bên tham gia thị trường sẽ phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của những sự kiện này trước mối lo ngại về những tác động địa chính trị rộng lớn hơn.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Bloomberg)