|
Từ tháng 6/2023, mỗi tháng trôi qua đều là tháng ấm nhất trên hành tinh. Ảnh minh họa: AFP/Báo Lao động |
Lời kêu gọi được đưa ra kèm nhận định: “Nhiệt độ cực đoan là hiện tượng bình thường mới. Thế giới phải ứng phó với thách thức của vấn đề này”.
Theo đó, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn trên toàn thế giới.
Theo Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), so với các tháng tương ứng của những năm trước, từ tháng 6/2023, mỗi tháng trôi qua đều được xếp hạng là tháng ấm nhất trên hành tinh tính từ khi bắt đầu ghi chép vào năm 1940.
Để đối phó với tình trạng này, Liên hiệp quốc kêu gọi các chính phủ không chỉ cắt giảm khí thải nhiên liệu hóa thạch - tác nhân gây biến đổi khí hậu - mà còn tăng cường bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người già, phụ nữ mang thai và trẻ em, đồng thời cũng phải tăng cường bảo vệ người lao động.
Trong một thông tin có liên quan, báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 2,4 tỷ người, hiện đang đứng trước nguy cơ cao phải chịu tác động xấu của tình trạng nắng nóng khắc nghiệt.
Được biết, nhiệt độ quá cao được cho là nguyên nhân gây ra gần 23 triệu ca thương tích tại nơi làm việc trên toàn thế giới và khoảng 19.000 trường hợp tử vong mỗi năm.
Bên cạnh những lời kêu gọi thúc đẩy hành động chung, Tổng thư ký Antonio Guterres cũng kêu gọi chính phủ các nước bảo vệ nền kinh tế, các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe và môi trường xây dựng.
Được biết, các thành phố đang nóng lên với tốc độ gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Nếu tình hình này kéo dài, ước tính đến năm 2050, số người nghèo thành thị sống trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu sẽ tăng 700%.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ CNA)