Người dân đi bộ giữa thời tiết nắng nóng tại thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Được biết, những đợt sóng nhiệt nghiêm trọng, cũng đã được ghi nhận tại khu vực châu Âu và khiến hàng trăm người tử vong, đang làm nổi bật mối đe dọa trực tiếp mà biến đổi khí hậu gây ra cho cả những quốc gia giàu có nhất trên hành tinh.
Trong một tuyên bố, Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) lưu ý: "Cho đến nay trong tuần này, 60 mức kỷ lục nhiệt độ cao hàng ngày đã bị phá vỡ, khi nhiệt độ cao nguy hiểm đã bao trùm phần lớn quốc gia". Cơ quan này cũng cho rằng, thêm nhiều kỷ lục có thể sẽ được thiết lập trong tuần tới.
Nhiệt độ tại những vùng rộng lớn ở phía Tây Nam nước Mỹ đã tăng vọt lên hơn 38 độ C, và thậm chí vượt ngưỡng 43,3 độ C ở một số khu vực. Bên cạnh đó, các mức nhiệt độ tương tự cũng đã được ghi nhận trên khắp phía Nam nước Mỹ.
Trước đó vào ngày 19/7, NWS cho biết, 100 triệu người đang nhận được cảnh báo và tư vấn liên quan đến nắng nóng, và "một phần đáng kể dân số" sẽ vẫn tiếp tục được cảnh báo như vậy vào cuối tuần này. Nhiệt độ cao cũng đã được dự báo tăng cao hơn nữa vào cuối tuần này trên bờ biển phía Đông của Mỹ.
Các thành phố Washington và Philadelphia đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp về nắng nóng, đồng thời cảnh báo người dân phải duy trì sự cảnh giác. “Hãy giữ đủ nước, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời, đồng thời chú ý kiểm tra người lớn tuổi, hàng xóm và vật nuôi”, Thị trưởng thành phố Washington, bà Muriel Bowser cho biết trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, Sở Y tế Công cộng của thành phố Philadelphia cảnh báo trong một tuyên bố rằng: “Giữa thời tiết nắng nóng, đừng bao giờ rời mắt khỏi trẻ em và vật nuôi đang ở trong xe, tại bất kỳ trường hợp nào”.
Trong khi nắng nóng được dự báo sẽ giảm bớt ở khu vực phía Nam và phía Đông của Mỹ vào tuần tới, một hệ thống áp suất cao trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương được dự báo sẽ thúc đẩy nhiệt độ lên cao hơn mức bình thường từ 10-15 độ C.
Trong một diễn biến liên quan, nhiệt độ cũng đã tăng vọt ở khu vực châu Âu, lập kỷ lục mọi thời đại ở Vương quốc Anh, nơi Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Anh ghi nhận nhiệt độ ở mức 40,3 độ C ở phía Đông vùng England, vượt qua mức cao trước đó được báo cáo hồi năm 2019.
Không giống như phần lớn khu vực Tây Âu, hầu hết các ngôi nhà ở Mỹ đều có máy điều hòa, giúp giảm thiểu các rủi ro sức khỏe của đợt nắng nóng; song, điều này lại làm tăng thêm căng thẳng đối với lưới điện trong thời gian sử dụng cao điểm.
Ở tiểu bang Texas (Mỹ) hồi tuần trước, người dân đã được yêu cầu cắt giảm mức tiêu thụ điện, bằng cách không chạy các thiết bị chính trong khoảng thời gian từ 2 giờ chiều cho đến 8 giờ tối, trong bối cảnh cơ quan điện lực của tiểu bang phía Nam này cảnh báo rằng, tốc độ gió thấp gây đe dọa đối với lưới điện.
Vào ngày hôm qua (21/7), thành phố New York đã yêu cầu người dân cắt giảm sử dụng năng lượng, bằng cách tăng nhiệt độ của máy điều hòa lên mức 25,6 độ C, cũng như rút phích cắm của các thiết bị điện.
Đáng chú ý, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, những đợt sóng nhiệt như những đợt đang xảy ra ở Mỹ và khu vực châu Âu sẽ trở nên thường xuyên hơn và tăng cường độ, do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)