Thế giới

Mỹ sẽ điều chuyên gia quân đội giải cứu siêu tàu hàng "bít" kênh đào Suez

ClockThứ Bảy, 27/03/2021 09:42
Truyền thông Mỹ dẫn 2 nguồn tin quốc phòng cho hay, lực lượng hải quân Mỹ ở Trung Đông dự kiến sẽ điều động đội ngũ gồm các chuyên gia về nạo vét tới kênh đào Suez sớm nhất vào ngày 27/3 để hỗ trợ chính quyền Ai Cập liên quan tới vụ tàu hàng Ever Given đang bịt đường di chuyển trên một trong những tuyến vận tải quan trọng hàng đầu thế giới.

Kênh đào Suez bị tắc nghẽn: Mối đe dọa mới cho chuỗi cung ứng toàn cầuAi Cập khánh thành kênh đào Suez thứ haiAi Cập kéo dài tình trạng khẩn cấp tại bắc SinaiBloomberg: Ngành vận tải biển tìm kiếm nguồn quỹ 5 tỷ USD chống biến đổi khí hậu

Tàu hàng Ever Given nằm "án ngữ" kênh đào Suez (Ảnh: Maxar)

Quân đội Mỹ thường điều động đội ngũ đánh giá tình hình tới các khu vực xảy ra thảm họa hoặc sự cố trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật khi được yêu cầu.

Ever Given, tàu công-ten-nơ nặng 200.000 tấn và dài 400 mét, bị mắc cạn hôm 23/3 sau khi gặp phải gió lớn và bão bụi khiến nó bị cản trở tầm nhìn và di chuyển bị lệch hướng. Hiện các nỗ lực vẫn đang được tiến hành, bao gồm sử dụng tàu kéo để chỉnh thẳng tàu và dùng máy xúc xúc bớt cát ở phần tàu mắc kẹt vào bờ kênh. Tuy nhiên, các nỗ lực này vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể và các chuyên gia cảnh báo công việc này có thể kéo dài tới hàng tuần.

Nguồn tin nói rằng chính phủ Ai Cập đã đồng ý với đề xuất trợ giúp từ Mỹ. Nhà Trắng hôm 26/3 cũng xác nhận họ đã liên hệ với Ai Cập và ngỏ ý muốn hỗ trợ khơi thông lại kênh.

Bên vận hành kênh Suez cho biết họ sẽ cần đào lên khoảng gần 20.000 mét khối cát để có thể "giải phóng" Ever Given. Hiện có 9 tàu kéo, 2 tàu hút bùn và 4 máy xúc đang nỗ lực tìm đường giải cứu cho tàu Ever Given.

Vụ việc đã gây ra thảm họa trong ngành vận tải toàn cầu khi hàng trăm tàu bị kẹt lại ở 2 đầu kênh đào, làm đình trệ vận tải nhiều hàng hóa quan trọng, khiến giá dầu thế giới, chi phí vận chuyển đều tăng.

Tạp chí Lloyd's List ước tính, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 tỷ USD trung chuyển qua kênh Suez. Khoảng 30% lượng công-ten-nơ vận chuyển trên thế giới đi qua kênh đào Suez dài 193 km mỗi ngày, chiếm khoảng 12% tổng lượng hàng hóa thương mại toàn cầu.

Nga đề xuất phương án thay thế kênh đào Suez

Trong bối cảnh tuyến giao thông bận rộn hàng đầu thế giới đang bị kẹt đường, Nga đang nỗ lực quảng bá tuyến vận tải hàng hóa của nước này vòng qua Bắc Cực như là một sự thay thế an toàn với kênh đào Suez.

Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã coi khu vực Bắc Cực của Nga là ưu tiên chiến lược và đã đổ tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và khai khoáng tại đây.

Tuyến vận tải Biển Bắc của Nga được hỗ trợ hiệu quả bởi một đội ngũ hùng hậu tàu phá băng và tàu chở dầu di chuyển qua băng.

Quan chức phụ trách hợp tác quốc tế tại Bắc Cực Nikolai Korchunov hôm 26/3 nói rằng vụ mắc kẹt của Ever Given cho thấy tầm quan trọng của tuyến vận tải Bắc Cực.

"Tuyến vận tải Biển Bắc sẽ lớn mạnh trong cả ngắn hạn và dài hạn. Nó không có sự thay thế", ông Korchunov khẳng định.

Tuyến vận tải trên là một trong số những kênh vận chuyển ở Bắc Cực và nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Nga đã đầu tư rất nhiều để phát triển tuyến đường này, cho phép tàu bè cắt giảm hành trình đến các cảng ở châu Á so với việc sử dụng kênh đào Suez.

Việc di chuyển ở phía đông Bắc Cực thường bị đình trệ vào tháng 11 hàng năm do thời tiết, nhưng biến đổi khí hậu đang xảy ra và điều này có thể làm thay đổi quy luật trên khi lượng băng ở đây đang có dấu hiệu tan dần.

Liên quan tới vụ Ever Given mắc kẹt, cơ quan nguyên tử Nga Rosatom hôm 25/3 cũng tuyên bố rằng tuyến đường đi qua Bắc Cực là phương án thay thế cho kênh đào Suez đang bị "tắc đường".

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top