Thế giới

Năm 2024 “ngày càng có khả năng” trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

ClockThứ Sáu, 09/08/2024 05:45
TTH - Theo Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, “ngày càng có khả năng” năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử, mặc dù tháng 7 vừa qua đã chấm dứt chuỗi 13 tháng ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ hàng tháng.

Thế giới chưa chuẩn bị tốt cho các vụ cháy rừng ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu2023 là năm nóng kỷ lục trong lịch sửChâu Á: Khủng hoảng sức khỏe do khí hậu gióng lên cảnh báo trước thềm COP28

 Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ đầu năm nay đến cuối tháng 7 hiện cao hơn 0,27 độ C so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa: Shutter Stock

C3S cho biết tháng trước là tháng 7 ấm thứ hai trong các hồ sơ lưu trữ tính từ năm 1940, chỉ mát hơn một chút so với tháng 7/2023.

Từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024, mỗi tháng đều phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của tháng tương ứng trong năm trước đó. Đến tháng 7/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 16,91 độ C, thấp hơn 0,04 độ C so với tháng 7/2023.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ do hiện tượng El Nino kết thúc và hiện tượng La Nina phát triển trên vùng xích đạo phía đông Thái Bình Dương trong những tháng tới.

Tuy nhiên, xu hướng nhiệt độ trung bình toàn cầu dài hạn vẫn tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu mà con người gây ra, bất chấp các biến số khác thúc đẩy các biến động ngắn hạn.

Trong một tuyên bố, bà Samantha Burgess, Phó giám đốc Copernicus cho rằng: “Bối cảnh chung là không thay đổi, khí hậu vẫn tiếp tục ấm lên. Những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ trước năm 2023 và sẽ tiếp tục cho đến khi lượng khí thải nhà kính toàn cầu đạt mức bằng 0”.

Các nhà nghiên cứu tại Copernicus cho biết khả năng “2024 sẽ là năm ấm nhất trong lịch sử” ngày càng cao. Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ đầu năm nay đến cuối tháng 7 hiện cao hơn 0,27 độ C so với cùng kỳ năm 2023, và cao hơn 0,70 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020.

Nóng quá mức chịu đựng

Tháng 7/2024 ấm hơn 1,48 độ C so với nhiệt độ trung bình ước tính của các tháng 7 trong giai đoạn 1850-1900, trước khi thế giới bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch nhanh chóng. Điều này đã dẫn đến tình trạng nắng nóng cực độ đối với hàng trăm triệu người trên toàn cầu.

Theo C3S, trái đất đã trải qua hai ngày nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình toàn cầu lần lượt là 17,16 độ C vào ngày 22/7 và 17,15 độ C vào ngày 23/7.

Địa Trung Hải đã bị ảnh hưởng bởi một đợt nắng nóng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ “gần như không thể xảy ra” nếu không có sự nóng lên toàn cầu. Được biết, Trung Quốc và Nhật Bản đã gần như “tan chảy” trong tháng 7 nóng nhất lịch sử vừa qua.

Trong khi đó, lượng mưa phá kỷ lục đã tấn công Pakistan, cháy rừng tàn phá các tiểu bang phía tây nước Mỹ và bão Beryl đã để lại những hậu quả nghiêm trọng khi quét qua các vùng từ Caribe đến phía đông nam nước Mỹ.

Nhiệt độ của các đại dương, nơi hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do hoạt động của con người gây ra, cũng ghi nhận mức ấm thứ hai lịch sử trong tháng 7/2024. Nhiệt độ bề mặt biển trung bình là 20,88 độ C vào tháng trước, chỉ thấp hơn 0,01 độ C so với tháng 7/2023, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn 15 tháng kỷ lục nhiệt độ giảm mạnh ở các đại dương.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại C3S lưu ý rằng “nhiệt độ không khí trên đại dương vẫn cao bất thường ở nhiều khu vực”, mặc dù có sự thay đổi từ kiểu thời tiết El Nino sang La Nina vốn thường dịu mát hơn.

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Celeste Saulo cho biết thế giới vừa trải qua một năm “sóng nhiệt lan rộng, dữ dội và kéo dài” và khí hậu toàn cầu đang “nóng quá mức chịu đựng”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó

Phương án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế từ di tích Quốc Tử Giám (số 1 đường 23/8, trong Kinh thành Huế) về địa chỉ mới 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế theo kế hoạch được tiến hành sau tết Giáp Thìn 2024. Thế nhưng do gặp trở ngại về kinh phí nên công tác này vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó
Return to top