Vaccine ngừa COVID-19 được chuyển đến một quốc gia ở Tây Phi thông qua cơ chế COVAX. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Đáng chú ý, con số nói trên sẽ chạm mốc 150 triệu liều vào cuối tháng này, nếu các lô vaccine được gửi đi như dự kiến.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, ngân hàng phát triển đa phương này đã ký hợp đồng mua gần 300 triệu liều vaccine, cùng với khoảng 7,5 tỷ USD dành cho các hoạt động tài trợ tài chính liên quan đến vaccine cho 69 quốc gia.
Phát biểu tại một hội nghị do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) chủ trì, ông David Malpass nhấn mạnh sự cần thiết đối với các quốc gia giàu có trong việc thực hiện những cam kết tài trợ vaccine của họ càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, người đứng đầu WB cũng công bố một cơ sở dữ liệu mới, giúp theo dõi những quốc gia nào cần sự hỗ trợ về tài chính và hoạt động triển khai tiêm chủng.
"Sự sẵn sàng và việc triển khai đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn kinh phí dồi dào hiện có sẵn và chúng tôi đang làm việc với các đối tác để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại và chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng trong tương lai", ông David Malpass nhận định; đồng thời cho biết thêm, dữ liệu nâng cao và tính minh bạch là rất quan trọng để đảm bảo các nguồn lực được chuyển đến những nơi có nhu cầu nhất.
Cũng theo Chủ tịch WB, Công cụ Giám sát Triển khai Vaccine mới của WB sẽ giúp giải quyết những vấn đề cụ thể, nhằm mở rộng quy mô triển khai vaccine ngừa COVID-19. Công cụ này dựa trên hoạt động hợp tác chung giữa WB và Nhóm Đảm bảo Sự sẵn sàng và Năng lực Giao nhận của Quốc gia (CRD) thuộc Cơ chế phân phối vaccine COVAX, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Liên minh vaccine Gavi.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)