Nhật Bản kỳ vọng các nước châu Á phát triển thị trường LNG phong phú, đáp ứng nhu cầu cho ngành sản xuất điện của nước này. Ảnh minh họa: TTXVN
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng gấp đôi ngân sách cho quỹ sáng kiến đầu tư công-tư lên 20 tỷ USD vào năm 2019 để giúp các nước châu Á phát triển các hoạt động khai thác và sản xuất loại khí thiên nhiên này như xây dựng các bến cảng, bể chứa và các cơ sở khác cần thiết cho các hoạt động xuất khẩu LNG.
Nhật Bản cũng kỳ vọng nhu cầu sử dụng LNG thay vì than đá để sản xuất điện của các nước trong khu vực sẽ tăng lên, góp phần đa dạng hóa nguồn cung hơn để đáp ứng nhu cầu của một quốc gia tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới này, với gần 40% tổng sản lượng điện được sản xuất từ nguồn nhiên liệu này.
Hiện nay, than đá vẫn là nguồn nhiên liệu chính cho các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á, chẳng hạn như Indonesia và Việt Nam, do chi phí thấp. Nhưng LNG chỉ tạo ra khoảng một nửa lượng khí thải carbon dioxide mà than tạo ra khi được đốt để phát điện.
Nếu bảy quốc gia châu Á - Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Myanmar - chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện sang sử dụng khí hóa lỏng thay vì than, lượng khí thải carbon dioxide sẽ giảm khoảng 864 triệu tấn, tương đương 71% lượng khí thải hằng năm của Nhật Bản, theo số liệu của Bộ Công nghiệp. Đồng thời, sự thay đổi như vậy sẽ tạo ra sự gia tăng nhu cầu về LNG trong khu vực lên 166 triệu tấn/năm, gấp đôi lượng nhập khẩu hàng năm của Nhật Bản.
Nhập khẩu LNG của Nhật Bản tăng mạnh trong bối cảnh nước này dừng sản xuất điện hạt nhân sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra bởi trận động đất và sóng thần kinh hoàng ở phía đông bắc vào tháng 3/2011.
Anh Tuấn (Lược dịch từ Kyodo News)