Thế giới

Những thay đổi toàn cầu đang thúc đẩy 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh

ClockThứ Tư, 17/07/2024 06:56
TTH - Theo Báo cáo Dự báo toàn cầu mới do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) công bố, 8 thay đổi quan trọng toàn cầu đang thúc đẩy 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh, gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

LHQ kêu gọi “sự thay đổi mạnh mẽ” để chuyển đổi giáo dục trên toàn thế giớiThay đổi để nói lên tiếng nói của trẻ emĐông Nam Á - Điểm đến thu hút sự chú ý khi chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi

Biến đổi khí hậu là 1 trong 3 cuộc khủng hoảng mà thế giới phải đối mặt. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN 

Trong đó, Giám đốc điều hành UNEP, bà Inger Andersen cho biết: “Tốc độ thay đổi nhanh chóng, sự không chắc chắn và sự phát triển công nghệ mà chúng ta đang chứng kiến, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, đồng nghĩa rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị chệch hướng dễ dàng hơn và thường xuyên hơn”.

Những thay đổi này bao gồm sự suy thoái của thế giới tự nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, sự cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, và niềm tin vào các tổ chức giảm sút.

Kết hợp với nhau, chúng đang tạo ra một cuộc đa khủng hoảng, trong đó các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang ngày càng mở rộng và xảy ra đồng thời, gây ra những tác động to lớn đối với phúc lợi của con người và hành tinh.

Bên cạnh những thay đổi nói trên, báo cáo cũng xác định 18 tín hiệu của sự thay đổi. Những tín hiệu này được xác định bởi hàng trăm chuyên gia toàn cầu thông qua các tham vấn khu vực và các bên liên quan, trong đó có cả giới trẻ, giúp mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về những gián đoạn tiềm ẩn, cả tích cực lẫn tiêu cực mà thế giới cần chuẩn bị.

Trong số đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguyên tố đất hiếm, khoáng chất và kim loại quan trọng, kéo theo nhu cầu khai thác dưới biển sâu và vượt ra ngoài tầng bình lưu, khai thác trong không gian. Điều này đặt ra những mối đe dọa tiềm tàng đối với thiên nhiên và đa dạng sinh học, có thể làm tăng ô nhiễm và chất thải, đồng thời gây ra nhiều cuộc xung đột hơn.

Sự tan băng của lớp băng vĩnh cửu do khí hậu ấm lên cũng dẫn đến những tác động lớn đến môi trường, động vật và con người. Sự gia tăng của xung đột vũ trang và bạo lực, cùng với các tác động đến sức khỏe con người và môi trường của việc di dời bắt buộc cũng được xác định trong báo cáo là những tín hiệu quan trọng về sự thay đổi cần phải được dự báo trước.

Bất chấp những cuộc khủng hoảng đang nổi lên này, báo cáo nói trên nhận thấy, việc áp dụng các công cụ dự báo tốt hơn sẽ là cách tốt nhất để giúp thế giới lường trước những gián đoạn trong tương lai. “Dự báo cung cấp một bộ công cụ hữu ích để bước ra ngoài tầm nhìn ngắn hạn, nhằm giúp xác định các cơ hội và rủi ro trong tương lai”, ông Peter Gluckman, Chủ tịch ISC nhận định.

Bên cạnh đó, bà Inger Andersen cũng lưu ý: “Khi tác động của nhiều cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng, bây giờ là lúc phải đón đầu xu hướng và bảo vệ chúng ta khỏi những thách thức mới nổi. Bằng cách theo dõi các tín hiệu thay đổi và sử dụng phương pháp tiếp cận với khả năng dự báo, thế giới có thể tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và tập trung vào các giải pháp có thể chống chọi với sự gián đoạn trong tương lai”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top