Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh ở thủ đô London. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo ông Andrew Bailey, tình hình khả quan, nhưng cần sự cảnh giác cao. Vương quốc Anh, quốc gia châu Âu hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, cũng phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong số các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, với một chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, quốc gia này hy vọng sẽ trở lại bình thường sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Mặc dù trải qua 1 năm với 3 đợt phong toả để kiểm soát đại dịch, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Chính phủ Anh dự báo, nền kinh tế của quốc gia này sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào giữa năm 2022, sớm hơn 6 tháng so với dự báo ban đầu.
Trong một bài phát biểu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho rằng: “Một số tác động lên nguồn cung liên quan trực tiếp đến các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động và sự giãn cách xã hội tự nguyện có thể chỉ là tạm thời, và sẽ bắt đầu được đảo ngược khi triển vọng sức khoẻ được cải thiện”.
Trước thềm một hội nghị của Ngân hàng Trung ương Anh vào tuần tới, ông Andrew Bailey lưu ý, nền kinh tế Vương quốc Anh phải đối mặt với áp lực từ "cả 2 phía", với lo ngại rằng tình hình sức khỏe xấu đi có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, trong khi sự bùng nổ của các hoạt động dựa trên triển vọng sức khỏe được cải thiện nhanh chóng có thể kích hoạt tình trạng lạm phát. Lo ngại lạm phát gia tăng đã khiến các nhà đầu tư từ bỏ trái phiếu, đẩy tỷ giá lên cao.
Ngân hàng Trung ương Anh đang xem xét khả năng áp dụng lãi suất âm, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy đầu tư, một biện pháp chưa từng được sử dụng trước đây ở Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đang cân nhắc "thắt chặt chính sách tiền tệ nếu cần thiết" trong việc chống lại lạm phát.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)