Thế giới

Ô nhiễm không khí là mối đe dọa toàn cầu lớn nhất đối với sức khỏe con người

ClockThứ Bảy, 02/09/2023 07:30
TTH - Một nghiên cứu vừa công bố ngày 29/8 cho biết, ô nhiễm không khí là mối nguy hại lớn nhất đối với sức khỏe con người trên Trái đất - cao hơn cả hút thuốc hay uống rượu, và mối đe dọa này đang ngày càng nghiêm trọng ở Nam Á – “tâm chấn” ô nhiễm toàn cầu.

Thủ đô Jakarta của Indonesia là thành phố ô nhiễm nhất thế giớiCháy rừng và ô nhiễm không khí nghiêm trọng chưa từng có tại Lào

 New Delhi (Ấn Độ) được đánh giá là một trong những thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Ảnh: Getty Images

Mặc dù vậy, mức tài trợ dành riêng để đương đầu với thách thức này chỉ là một phần nhỏ so với số tiền phải bỏ ra để đối phó với các bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu từ Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC) chỉ rõ.

Theo Báo cáo Chỉ số chất lượng cuộc sống về không khí (AQLI) hàng năm mới nhất của EPIC, ô nhiễm không khí dạng hạt mịn – xuất phát từ khí thải xe cộ và công nghiệp, cháy rừng... – vẫn là “mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của khoảng 7 triệu người/năm trên toàn cầu, trong đó có 200.000 trẻ dưới 15 tuổi. Chất lượng không khí kém cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như hen suyễn, và các bệnh liên quan đến tim phổi, đột quỵ và ung thư.

Dữ liệu chỉ ra rằng, nếu thế giới giảm vĩnh viễn các chất gây ô nhiễm để đáp ứng giới hạn hướng dẫn của WHO, thì trung bình một người bình thường sẽ có thể tăng thêm 2,3 năm tuổi thọ.

Trong khi đó, việc sử dụng thuốc lá làm giảm tuổi thọ 2,2 năm, và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ là nguyên nhân làm giảm 1,6 năm tuổi thọ.

Đáng lưu ý, mặc dù phải chịu gánh nặng lớn nhất về ô nhiễm không khí, nhưng châu Á và châu Phi lại có cơ sở hạ tầng yếu kém nhất để có thể cung cấp dữ liệu chính xác, kịp thời cho người dân. Những khu vực này cũng chỉ nhận được những “lát cắt nhỏ” trong miếng bánh tài trợ vốn đã nhỏ bé trên toàn cầu để giải quyết ô nhiễm không khí. Điển hình, toàn bộ lục địa châu Phi nhận được chưa tới 300.000 USD để cái thiện chất lượng không khí.

“Có sự khác biệt sâu sắc giữa nơi ô nhiễm không khí tồi tệ nhất và nơi mà chúng ta đang triển khai các nguồn lực để khắc phục vấn đề”, bà Christa Hasenkopf, Giám đốc chương trình chất lượng không khí tại EPIC xác nhận.

Hiện nay, thế giới có Quỹ Toàn cầu sẽ giải ngân 4 tỷ USD/năm cho việc phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, nhưng lại không có khoản tài trợ tương đương nào cho vấn đề ô nhiễm không khí. Trong khi thực tế, ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ trung bình của người dân ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Cameroon nhiều hơn so với HIV/AIDS, sốt rét và các mối đe dọa sức khỏe khác.

Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Theo báo cáo mới của EPIC, ô nhiễm không khí đang gia tăng có thể làm giảm hơn 5 năm tuổi thọ của mỗi người dân ở Nam Á, nhấn mạnh gánh nặng ngày càng tăng của không khí độc hại đối với sức khỏe.

EPIC cho biết, khu vực này bao gồm các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan, chiếm hơn 50% tổng số năm tuổi thọ bị mất đi trên toàn cầu do ô nhiễm.

Công nghiệp hóa nhanh chóng và tăng trưởng dân số đã góp phần làm giảm chất lượng không khí ở Nam Á, nơi mức độ ô nhiễm dạng hạt hiện cao hơn 50% so với đầu thế kỷ.

Kết quả là, người dân ở Bangladesh - quốc gia ô nhiễm nhất thế giới với nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm là 74 microgam/m3, sẽ mất đi 6,8 năm tuổi thọ/người, so với 3,6 tháng/người ở Mỹ, nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh để tính toán tác động của sự gia tăng các hạt mịn trong không khí đến tuổi thọ cho thấy.

Trong khi đó, một người dân ở Pakistan sẽ tăng thêm trung bình 3,9 năm tuổi thọ nếu đáp ứng các hướng dẫn của WHO về giới hạn nồng độ PM 2.5 ở mức 5 microgam/m3, và một người ở Nepal sẽ sống lâu hơn 4,6 năm nếu hướng dẫn này được đáp ứng.

Tất nhiên, ô nhiễm không phải là một hiện tượng mới - và đã có những hành động cụ thể được đưa ra. Một số công ước quốc tế và luật pháp quốc gia đã giải quyết được vấn đề này, và một số trong đó - bao gồm nỗ lực sửa chữa tầng ozone và loại bỏ dần một số hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu - đã rất thành công. Thỏa thuận Khí hậu Paris cũng được xem là một bước tiến lớn trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.

Trong một báo cáo, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) Erik Solheim cho rằng, cần có một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm, nhằm đảm bảo sự tham gia bền vững ở mức cao nhất và đặt công tác phòng, chống ô nhiễm lên ưu tiên hàng đầu. Cũng theo ông, “chúng ta cần những chính sách đúng đắn, cần tăng cường quản lý môi trường thông qua đánh giá rủi ro và đẩy mạnh việc thực thi luật pháp về môi trường, bao gồm các hiệp định môi trường đa phương và các biện pháp khác”. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững bằng cách cải thiện hiệu quả việc sử dụng tài nguyên và thay đổi lối sống cũng là điều cần thiết.

Ngoài ra theo EPIC, bên cạnh nỗ lực giảm ô nhiễm, các chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống dữ liệu không khí đầy đủ, có thể dễ dàng truy cập, nhằm giúp thu hẹp sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận các công cụ chống ô nhiễm.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị
Return to top