Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong cuộc gặp tại Munich hồi năm 2015. Ảnh: Reuters/TTXVN
Được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả là “thời khắc then chốt”, hội nghị thượng đỉnh lần này hi vọng sẽ bước sang trang mới sau 4 năm căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo CNN, việc Tổng thống Joe Biden có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc và tiếp theo đó là hội nghị thượng đỉnh NATO, một kỷ nguyên mới dường như đang quay trở lại với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đánh giá cao sự trở lại của nước Mỹ trên trường thế giới và đặc biệt là những nỗ lực hàn gắn quan hệ mà Tổng thống Joe Biden dành cho Liên minh châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson, chủ nhà của hội nghị G7, cũng mô tả bầu không khí giữa các nhà lãnh đạo có “sự hòa hợp tuyệt vời”, một sự trái ngược với 4 năm trước.
Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thống Biden khẳng định rằng quan hệ đối tác NATO bền chặt là điều quan trọng để duy trì an ninh quốc gia của Mỹ trong “phần còn lại của thế kỷ”. Được biết, an ninh mạng và biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này.
Theo AFP, với cuộc họp của 30 đồng minh tại Brussels, các nhà ngoại giao kỳ vọng liên minh được thành lập vào năm 1949 này sẽ liên tục thích ứng và phát triển để đáp ứng những thách thức mới và đối mặt với các mối đe dọa mới xuất hiện.
Nhóm nghiên cứu của Mạng lưới Lãnh đạo Châu Âu (ELN) cho biết trong một bài báo phát hành trước hội nghị thượng đỉnh rằng “các mối đe dọa an ninh mạng có thể xuất hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong một cuộc khủng hoảng và gây ra sự hiểu lầm cũng như các tín hiệu không mong muốn...”, do đó, các nước cần có bước đi phù hợp để đối phó.
Ngoài ra, sự hiện diện kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đại Tây Dương, bao gồm cả các cuộc tập trận chung với Nga, là mối quan tâm chung của các nhà lãnh đạo. Dự kiến cũng sẽ có cam kết làm cho quân đội NATO trở nên trung hòa với carbon vào năm 2050.
Trước đó, vào ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí tăng cường đóng góp để đáp ứng cam kết chi 100 tỷ USD mỗi năm của các nước giàu nhằm giúp các nước nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải carbon và đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & AFP)