Bệnh nhân lao đến điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Kanpur, Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
"Đây là một tin tức đáng báo động, phải là một lời cảnh tỉnh toàn cầu về nhu cầu cấp bách đối với đầu tư và đổi mới để thu hẹp khoảng cách trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh cổ xưa, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị này", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định.
Trong báo cáo thường niên về bệnh lao cho năm 2020, WHO cho biết, tiến bộ hướng tới việc xoá bỏ căn bệnh này đã trở nên tồi tệ hơn, do số lượng các ca bệnh không được chẩn đoán và không được điều trị gia tăng.
Theo ước tính của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc, có khoảng 4,1 triệu người mắc bệnh lao nhưng chưa được chẩn đoán hoặc công bố chính thức, tăng mạnh so với mức 2,9 triệu người vào năm 2019.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với những người mắc bệnh lao, khi các nguồn quỹ y tế được chuyển hướng sang ngăn chặn đại dịch COVID-19, và mọi người phải vật lộn để tiếp cận chăm sóc sức khoẻ do các biện pháp phong toả để kiểm soát đại dịch này.
Người đứng đầu WHO cho hay: “Báo cáo này chứng thực những lo ngại của chúng tôi rằng, sự gián đoạn của các dịch vụ y tế thiết yếu do đại dịch có thể bắt đầu làm thất bại nhiều năm tiến bộ chống lại bệnh lao”.
Cũng theo báo cáo nói trên, khoảng 1,5 triệu người đã tử vong vì bệnh lao trong năm 2020. Con số này tăng từ mức 1,2 triệu ca tử vong vào năm 2019. Mức tăng về số ca tử vong do bệnh lao xảy ra chủ yếu ở 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất.
Số ca tử vong có thể tăng
Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong thứ 2 sau COVID-19. Đa số các trường hợp mắc lao chỉ xảy ra ở 30 quốc gia, nhiều quốc gia trong số đó là các quốc gia nghèo hơn ở khu vực châu Phi và châu Á.
Bên cạnh đó, hơn một nửa tổng số ca mắc mới được ghi nhận ở nam giới trưởng thành. Ngoài ra, phụ nữ chiếm 33% các ca mắc, và tỷ lệ này ở trẻ em là 11%.
Mục tiêu của WHO là làm giảm 90% số ca tử vong do bệnh lao, và giảm 80% tỷ lệ mắc bệnh vào năm 2030 so với năm 2015; song, những số liệu mới nhất có nguy cơ gây nguy hiểm cho chiến lược này. Trong khi đó, mô hình cho thấy, số người phát triển căn bệnh này và tử vong vì bệnh lao có thể "cao hơn nhiều vào năm 2021 và năm 2022".
Tiếp đó, báo cáo của WHO chỉ ra rằng, chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh lao đã giảm từ mức 5,8 tỷ USD vào năm 2019, xuống còn 5,3 tỷ USD một năm sau đó. Đáng chú ý, con số trong năm 2020 chưa bằng một nửa mục tiêu tài trợ toàn cầu cho căn bệnh này.
Được biết, khoảng 85% những người phát triển bệnh lao có thể được điều trị thành công trong vòng 6 tháng bằng các loại thuốc phù hợp, điều này cũng giúp ngăn ngừa sự lây truyền của căn bệnh này.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & CNA)