Thế giới

Sóng nhiệt có nguy cơ ảnh hưởng đến 1/2 số trẻ em trên toàn châu Âu và Trung Á

ClockThứ Năm, 27/07/2023 11:32
TTH.VN - Khoảng một nửa số trẻ em ở châu Âu và Trung Á - tương đương 92 triệu trẻ - đang phải tiếp xúc với tần suất sóng nhiệt cao, theo một bản tóm tắt chính sách vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố ngày 26/7, dựa trên những phân tích dữ liệu mới nhất có sẵn từ 50 quốc gia trong khu vực. Con số này cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 1/4 số trẻ em phải tiếp xúc với tần suất sóng nhiệt cao.

Không ai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậuChỉ 1/5 các quốc gia có chiến lược chăm sóc sức khỏe để đối phó với biến đổi khí hậuTử vong vì sóng nhiệt tăng mạnh ở một số khu vực

leftcenterrightdel
 Trẻ em giải nhiệt tại một đài phun nước ở Pháp, khi nhiệt độ lên quá 42 độ C ngày 18/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Regina De Dominicis, Giám đốc Khu vực châu Âu và Trung Á của UNICEF, cho biết các quốc gia ở những khu vực này trên thế giới đang cảm nhận sức nóng của cuộc khủng hoảng khí hậu, khiến sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em phải chịu tác động nhiều nhất.

“Điều này dự kiến sẽ tăng lên, trở thành mối đe doạ đối với tất cả trẻ em vào năm 2050”, bà Dominicis cảnh báo. Do đó, vô số các tác động tiêu cực đối với sức khỏe hiện tại và tương lai của một lượng lớn trẻ em trong khu vực phải là chất xúc tác để các chính phủ khẩn trương đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trẻ em đối mặt với nguy cơ cao

Theo báo cáo, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của sóng nhiệt vì khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chúng kém hơn người lớn, khiến nhiệt độ của chúng tăng cao hơn và nhanh hơn đáng kể so với người lớn. Trẻ em càng tiếp xúc với nhiều đợt nắng nóng thì nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe càng cao, bao gồm cả say nắng, các bệnh hô hấp mãn tính, hen suyễn và bệnh tim mạch.

Không những vậy, các đợt nắng nóng còn ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập của trẻ em, gây hại cho việc học hành của chúng, báo cáo lưu ý.

Mặc dù trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của sóng nhiệt, nhưng UNICEF lưu ý rằng hầu hết người lớn đều cảm nhận sức nóng một cách khác nhau, khiến cha mẹ và người chăm sóc trẻ khó xác định các tình huống nguy hiểm hoặc triệu chứng của các bệnh liên quan đến nhiệt ở trẻ em.

Trong những năm gần đây, các đợt nắng nóng ở châu Âu và Trung Á diễn ra thường xuyên hơn mà không có dấu hiệu giảm bớt và tần suất sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm tới.

Theo ước tính thận trọng nhất về mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,7 độ C, báo cáo cảnh báo rằng một tương lai đáng lo ngại đang chờ đợi trẻ em ở châu Âu và Trung Á. Đến năm 2050, mọi trẻ em ở những khu vực này được dự đoán sẽ phải đối mặt với tần suất sóng nhiệt cao.

Đáng lo ngại là khoảng 81% số trẻ em này sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, trong khi 28% sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng thậm chí còn khắc nghiệt hơn.

Khuyến nghị của UNICEF

Để bảo vệ trẻ em, UNICEF đưa ra 6 khuyến nghị cho các Chính phủ trên khắp châu Âu và Trung Á, bao gồm việc kết hợp giảm thiểu và thích ứng với sóng nhiệt vào các cam kết liên quan đến khí hậu như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) và các chính sách Giảm thiểu rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai, lấy trẻ em làm trung tâm trong mọi kế hoạch.

Các chính phủ cũng nên đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu để hỗ trợ phòng ngừa, hành động sớm, chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến nhiệt ở trẻ em, bao gồm đào tạo nhân viên y tế cộng đồng và giáo viên.

Song song đó, chính phủ các nước có thể tiếp tục đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm về khí hậu quốc gia, thực hiện các đánh giá môi trường tại địa phương và hỗ trợ các sáng kiến xây dựng khả năng phục hồi và chuẩn bị với các tình huống khẩn cấp.

Điều chỉnh các dịch vụ nước, vệ sinh, y tế, giáo dục, dinh dưỡng, bảo trợ xã hội và bảo vệ trẻ em cũng là việc cần thiết để đối phó với các tác động của sóng nhiệt. Đồng thời, các chính phủ cần đảm bảo đủ tài chính để tài trợ cho các can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em và gia đình khỏi các đợt nắng nóng.

Cuối cùng, UNICEF khuyến nghị cần trang bị kiến thức giáo dục về biến đổi khí hậu và đào tạo “kỹ năng xanh” cho trẻ em và thanh niên.

Khoa học cho thấy nhiệt độ tăng là kết quả rõ ràng của biến đổi khí hậu. Từ đó, UNICEF kêu gọi các chính phủ trên khắp châu Âu và Trung Á giảm lượng khí thải CO2 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và tăng gấp đôi kinh phí có các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2025.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Return to top