|
Ngành dịch vụ đã và đang phát triển ở khu vực Đông Á. Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam |
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định dường như tầm quan trọng tương đối của ngành sản xuất đang suy yếu. Một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) về Đông Á – Thái Bình Dương với tựa đề Dịch vụ cho Phát triển chỉ ra rằng “với rất ít ngoại lệ, vai trò của ngành sản xuất ngày càng giảm dần cả về việc làm và sản lượng trên toàn khu vực”. Bên cạnh đó, dịch vụ đã và đang trở thành một động lực quan trọng nhưng không được đánh giá cao đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thương mại quốc tế.
Nhìn chung, xét trên nhiều thước đo trong suốt thập kỷ qua, ngành dịch vụ đang vượt trội hơn so với lĩnh vực sản xuất.
Tạo việc làm
Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, từ năm 2010 đến năm 2021, tỷ lệ việc làm trong ngành dịch vụ đã tăng từ 35% lên đến 47% ở Trung Quốc và từ 42% lên 49% ở phần còn lại của Đông Á. Cùng với đó, ngành dịch vụ cũng sử dụng nhiều lao động nữ giới hơn so với sản xuất, biến ngành này trở thành một lĩnh vực mang tính hòa nhập về giới hơn.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ không chỉ là ngành sử dụng nhiều lao động nhất ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực, mà còn là ngành có quy mô lớn nhất. Điều này được thể hiện rõ nhất khi ở Singapore, ngành dịch vụ của nước này chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội.
Ở nhiều nền kinh tế trong khu vực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ đã vượt quá tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng chế tạo. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào dịch vụ đã vượt quá tốc độ tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất…
“Chủ nghĩa bi quan về năng suất” đã kết thúc, dịch vụ cũng giúp ích cho các lĩnh vực khác
Theo Ngân hàng Thế giới, sự bi quan lâu nay xung quanh vấn đề năng suất của ngành dịch vụ đã không còn chính đáng. Báo cáo của WB chỉ ra rằng, trong thập kỷ qua, dịch vụ đã đóng góp nhiều hơn vào năng suất lao động ở khu vực Đông Á. Cùng với đó, công nghệ đang chuyển đổi các lĩnh vực dịch vụ quan trọng, hầu hết là tài chính.
Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoài lĩnh vực dịch vụ - bao gồm cả sản xuất – sử dụng các dịch vụ có sự hỗ trợ của công nghệ như thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và hậu cần hiện đại, năng suất cũng tăng lên. Trên thực tế, dịch vụ đã trở thành động lực của chính sách công nghiệp.
Các chuyên gia nhận định rằng, ranh giới giữa dịch vụ và sản xuất cũng đang mờ dần vì nhiều sản phẩm hiện nay được gắn kèm với dịch vụ. Ngân hàng WB khẳng định, trước tình hình như hiện nay, tầm quan trọng của dịch vụ sẽ tăng cao hơn nữa khi nhu cầu của người tiêu dùng dịch chuyển nhiều hơn về phía ngành dịch vụ, cùng với sự gia tăng thu nhập và sự già đi của dân số trên khắp Đông Á.