|
Dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ tăng trưởng đúng hướng vào năm 2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+ |
Trên đây là nhận định của Quỹ trong bối cảnh “bất chấp môi trường đầy thách thức được hình thành bởi sự xoay vòng của nhu cầu toàn cầu từ hàng hoá sang dịch vụ và thắt chặt tiền tệ đồng bộ”, tăng trưởng của khu vực vẫn khá triển vọng.
IMF cho hay, tổ chức duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 cho khu vực ở mức 4,6%, cao hơn mức 3,9% ghi nhận vào năm 2022. Đến năm 2024, dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm xuống còn 4,2% do những khó khăn về tài sản của Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên nhu cầu trên toàn khu vực.
Mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2023 khiến châu Á - Thái Bình Dương trở thành “điểm sáng tương đối” so với dự báo tăng trưởng toàn cầu cùng năm ở mức 3%.
Đáng chú ý, tăng trưởng ở các nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ chạm mốc 4,2% vào năm 2023 và tăng lên đến 4,6% vào năm 2024. Tuy nhiên, những tỷ lệ này có thể nói là đã được điều chỉnh giảm lần lượt 0,4% và 0,3% so với Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ IMF đưa ra vào tháng 4 vừa qua.
Krishna Srivinasan, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 18/10 rằng việc hạ mức xếp hạng không chỉ phản ánh kết quả tăng trưởng yếu hơn, mà còn chỉ rõ nhu cầu bên ngoài cũng đang suy yếu. Cộng thêm đó là nhu cầu trong nước ngày càng mờ nhạt do xu hướng "tiêu dùng trả thù" (các hoạt động du lịch bùng nổ để bù đắp sau thời gian chôn chân vì đại dịch COVID-19) suy yếu và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Đơn cử như đối với Singapore, dự báo tăng trưởng cho năm 2023 của nước này đã được điều chỉnh giảm từ 1,5% xuống còn 1% do nhu cầu bên ngoài yếu hơn. Tuy nhiên, IMF vẫn kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng vào năm 2024, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động và duy trì dự báo ở mức 2,1%.
Chuyển sang vấn đề lạm phát, IMF cho biết, Quỹ kỳ vọng lạm phát ở tất cả các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, sẽ nằm trong mục tiêu của ngân hàng trung ương vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới sẽ không thấy lạm phát quay trở lại.
Cũng là nhận định của Quỹ IMF, rủi ro đối với triển vọng khu vực vẫn nghiêng về phía nhược điểm, mặc dù ở mức cân bằng hơn so với dự báo hồi tháng 4.
Sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc có thể gây ra tác động tiêu cực tới các đối tác thương mại của nước này, đặc biệt là ở những quốc gia có xuất khẩu gắn liền với đầu tư hoặc nhu cầu hàng hoá ở Trung Quốc.
Theo IMF, việc “thắt chặt tài chính đột ngột” ở Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ làm gián đoạn tăng trưởng, đặc biệt là ở các nền kinh tế và lĩnh vực có đòn bẩy tài chính cao.
Mặc dù dự kiến tăng trưởng ở Mỹ và Nhật Bản cao hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng so với trước đây, nó lại tạo ra ít sự thúc đẩy hơn cho nhu cầu ở châu Á - Thái Bình Dương. Khi nhu cầu toàn cầu đang chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ và từ nước ngoài sang nội địa, lực cản nhu cầu từ Trung Quốc đang có tác động rõ rệt hơn.
Dù vậy, nhìn về phía mặt tích cực, khả năng hạ cánh nhẹ nhàng của nền kinh tế toàn cầu đang trở nên dễ dàng hơn, bao gồm cả tình trạng giảm lạm phát toàn cầu tăng nhanh và sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nhu cầu nội địa ở mỗi nền kinh tế.
IMF cho biết: “Điều này sẽ hỗ trợ sự phục hồi trong xuất khẩu của châu Á và tạo ra cơ hội cho việc nới lỏng tiền tệ (để kích thích tăng trưởng kinh tế) vào năm 2024”.
Trong một thông tin có liên quan, tăng trưởng trung hạn trong khu vực được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,9%, chủ yếu là do sự suy thoái cơ cấu của Trung Quốc và sự giảm thiểu rủi ro giữa Trung Quốc và các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vốn đã cản trở tăng trưởng năng suất ở nhiều nền kinh tế châu Á khác.
IMF cho biết, triển vọng thậm chí còn u ám hơn do sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng gia tăng trong khu vực. Điều này bao gồm các hạn chế thương mại ngày càng tăng, giảm danh mục đầu tư xuyên biên giới và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như sự sẵn có của các khoáng sản quan trọng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý, tổn thất sản lượng so với xu hướng trước dịch hiện đang rất đáng kể và mức độ bất bình đẳng cao vẫn tồn tại. Báo cáo cho biết, một số nền kinh tế đang phát triển trong khu vực đang hoặc sắp lâm vào cảnh khó khăn vì nợ nần và đối mặt với rủi ro tái cấp vốn.
IMF cho rằng, một loạt cải cách toàn diện ở Trung Quốc có khả năng thúc đẩy tăng trưởng trung hạn trong khu vực, đặc biệt là đối với các nền kinh tế nhỏ hơn và cởi mở hơn.
Trước tình hình này, IMF nhận xét: “Tăng cường hợp tác đa phương và giảm thiểu tác động của sự phân mảnh là rất quan trọng đối với triển vọng trung hạn của châu Á”.
Để đáp lại các chiến lược giảm thiểu rủi ro của OECD, IMF nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết đối với khu vực là thực hiện các chính sách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh và đảm bảo tăng trưởng toàn diện và bền vững.