Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Những ngành như du lịch và hàng không bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tuy nhiên, có một số ngành công nghiệp đang phát triển mạnh giữa cuộc khủng hoảng, bao gồm những gã khổng lồ công nghệ và cả ngành thanh toán toàn cầu.
Theo Accenture, một công ty dịch vụ chuyên nghiệp, ngành thanh toán toàn cầu tỏ ra kiên cường giữa đại dịch khi công chúng nói chung vẫn tiếp tục tin tưởng các hệ thống và nhà cung cấp thanh toán. Tuy nhiên, cũng giống như các ngành công nghiệp khác, lĩnh vực này không tránh khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng.
“Những thay đổi lớn nhất đối với các nhà cung cấp thanh toán do đại dịch bao gồm sự gia tăng của các khoản vay không có hiệu quả (hay nợ xấu), sự sụt giảm trong doanh thu và nhu cầu lớn hơn đối với các nhóm dịch vụ khách hàng. Tổng khối lượng thanh toán bị thu hẹp do sự sụt giảm trong tiêu dùng và thương mại”, Accenture ghi nhận.
Công ty đa quốc gia này cũng đã liệt kê một vài tác động tiềm tàng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với ngành thanh toán. Bao gồm:
Một xã hội không tiền mặt
Công dân của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không xa lạ với thanh toán kỹ thuật số. Trong một cuộc khảo sát của Visa, khoảng 64% người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á tự tin sẽ không dùng tiền mặt trong cả ngày. Hơn nữa, Báo cáo Thanh toán Thế giới năm 2019 cho thấy, giá trị của các giao dịch không tiền mặt ở khu vực châu Á được dự báo sẽ tăng từ mức 96,2 tỷ USD trong năm 2017 lên mức 352,8 tỷ USD đến năm 2022, tăng mạnh hơn 266%.
Thanh toán không tiếp xúc cho phép mọi người thanh toán bằng cách chạm vào thẻ thanh toán hoặc điện thoại của họ trên các điểm phân phối hàng hoá POS thay vì sử dụng thẻ của họ. Mã QR là mã vạch hai chiều có thể mang thông tin giao dịch mua hàng, cho phép người bán hàng nhận các thanh toán từ khách hàng khi được quét. Trong khi đó, ví kỹ thuật số như GrabPay cho phép thanh toán được thực hiện mà không cần chạm thẻ vào thiết bị đầu cuối hay nhập mã PIN.
Xu hướng này dường như đang đi đúng hướng ngay cả trong đại dịch, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vào đầu tháng 3 rằng, tiền giấy có thể làm lây lan virus gây ra dịch bệnh COVID-19.
"Tôi biết rất nhiều thương nhân đang đặt biển hiệu tại điểm bán nói rằng: “Vui lòng sử dụng (thanh toán) không tiếp xúc””, Linda Kirkpatrick, một quản lý của Mastercard, người làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho hay.
Khuyến cáo của WHO để sử dụng các giao dịch không dùng tiền mặt nhằm hỗ trợ việc kiểm soát virus đồng nghĩa với các khoản thanh toán không tiếp xúc tăng vọt. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng cắt giảm hơn nữa việc sử dụng tiền mặt bằng cách buộc các nhà bán lẻ chuyển sang hình thức trực tuyến khi nhiều người tiêu dùng ở nhà do lo ngại virus.
Chống gian lận
Một báo cáo có tiêu đề “Triển vọng rủi ro COVID-19: Bản đồ sơ bộ và ý nghĩa của nó” bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tiết lộ rằng, một trong những tác động phụ đáng lo ngại nhất từ đại dịch là sự gia tăng của các vụ tấn công mạng và gian lận dữ liệu. Một số vụ lừa đảo liên quan đến COVID-19 phổ biến nhất bao gồm các cơ quan mạo danh và yêu cầu thanh toán từ các nạn nhân. Công chúng nói chung được khuyến khích thận trọng với các cuộc gọi tự động, tin nhắn và email đảm bảo về việc chữa khỏi virus, vắc-xin và thanh toán kích thích nhanh.
Tính đến ngày 25/5, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) tại Hoa Kỳ đã ghi nhận hơn 30.700 khiếu nại gian lận liên quan đến đại dịch COVID-19. Nạn nhân của các vụ lừa đảo đã báo cáo mất tới 40,1 triệu USD, với tổn thất trung bình là 463 USD.
Tội phạm mạng đang được báo cáo ở khắp mọi nơi trên thế giới, bao gồm cả Malaysia, một quốc gia thành viên của ASEAN. Cục Điều tra Tội phạm Thương mại Malaysia (CCID) đã cảnh báo người dân về những kẻ lừa đảo giả danh là các “đại lý” phân phối viện trợ COVID-19 bằng cách gửi tin nhắn văn bản ngẫu nhiên tới công chúng và yêu cầu thông tin cá nhân của họ như thông tin ngân hàng.
Điều này có nghĩa là các thương nhân và tổ chức tài chính lớn sẽ cần phải thực hiện “các khoản đầu tư đáng kể để cải thiện việc phát hiện và ngăn chặn gian lận”, Accenture lưu ý thêm. Công ty này cũng chỉ ra, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy là những giải pháp khả thi cho vấn đề này.
Các công nghệ tài chính
“Sự sụt giảm về số lượng thanh toán toàn cầu đồng nghĩa với sự sụt giảm về phí đối với các nhà cung cấp giải pháp thanh toán”, theo công ty Accenture, và những công nghệ tài chính thanh toán có thể cảm thấy khó khăn hơn nhiều so với những ngành khác.
Vào thời điểm khủng hoảng này, các nhà đầu tư thận trọng hơn về mặt chi tiêu. Điều này có nghĩa là việc tiếp cận nguồn vốn đang trở nên khó khăn, bởi nhiều nhà đầu tư muốn tập trung hơn vào các công nghệ tài chính được thành lập với những mô hình kinh doanh rõ ràng. Theo báo cáo phương tiện truyền thông, đại dịch sẽ không khác gì so với các cuộc suy thoái kinh tế trước đây trong việc làm cho các quỹ đầu tư trở nên khan hiếm.
Mặc dù Deloitte, một mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đồng ý rằng, nhiều công nghệ tài chính, giống như phần còn lại của hệ thống tài chính, đã cố gắng để ứng phó với khủng hoảng, nhưng “với những khả năng khác biệt, cụ thể là khả năng thích ứng và sáng tạo đổi mới, nhiều công nghệ tài chính không chỉ sống sót trong khủng hoảng, mà còn đóng góp cho ngành công nghiệp và xã hội theo những cách có ý nghĩa một khi cuộc khủng hoảng qua đi".
Sự thay đổi trong hành vi của khách hàng trong đại dịch có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số. Nhiều nhà cung cấp thanh toán truyền thống có thể sẽ nhanh đạt được các nỗ lực đổi mới kỹ thuật số của họ. Ngành công nghiệp thanh toán sẽ có vai trò chính trong việc cải tổ nền kinh tế.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)