Thế giới

Thế giới ghi nhận hơn 5.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ

ClockThứ Tư, 06/07/2022 20:09
TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (5/7) cho biết 5.322 ca mắc bệnh đậu khỉ đã được xác nhận trên thế giới thông qua các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm trong đợt bùng phát hiện tại, trong đó 85% số ca bệnh là ở châu Âu.

WHO phát cảnh báo "khẩn cấp" về đậu mùa khỉSự lây nhiễm của đậu mùa khỉ đang “bị xem nhẹ”Vaccine và cách phòng ngừa, điều trị bệnh đậu mùa khỉThông báo mới của WHO về viêm gan cấp, đậu mùa khỉHãng dược phẩm Roche phát triển xét nghiệm PCR bệnh đậu mùa khỉ

Một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters/TTXVN

“Từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 năm nay, chúng ta có 5.322 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trong phòng thí nghiệm và một trường hợp tử vong”, phát ngôn viên của WHO Fadela Chaib nói với các phóng viên tại Geneva.

Từ đầu tháng 5, WHO đã được báo cáo về sự gia tăng các ca bệnh đậu mùa khỉ kể bên ngoài các nước ở Tây và Trung Phi - nơi căn bệnh này đã lưu hành từ lâu.

Theo WHO, chỉ trong 8 ngày từ 22/6 - 30/6, số ca bệnh mới đã tăng 56%. Trước đó, số liệu của WHO cho thấy đã có 3.413 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo tính đến ngày 22/6. 

Bà Chaib cũng cho biết các ca nhiễm hiện đã được ghi nhận ở 53 quốc gia, trong đó 85% là ở châu Âu, tiếp đến là khu vực châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.

Hiện WHO vẫn tiếp tục yêu cầu các quốc gia đặc biệt chú ý đến các trường hợp mắc đậu mùa khỉ để cố gắng ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh.

Mặc dù số ca mắc bệnh đang tăng lên nhanh chóng, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa ấn định ngày triệu tập cuộc họp lần 2 của ủy ban khẩn cấp để thảo luận về tình hình bệnh đậu mùa khỉ.

Theo WHO, hầu hết các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cho đến nay đều được quan sát thấy ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, ở độ tuổi thanh niên và chủ yếu là ở các khu vực thành thị. Các triệu chứng ban đầu bình thường của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt cao, sưng hạch bạch huyết và phát ban giống như bệnh thủy đậu.

Vào ngày 23/6, WHO đã triệu tập một ủy ban khẩn cấp gồm các chuyên gia để đánh giá về sự nghiêm trọng của đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay và nhất trí với nhận định đây chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra.

Tuy nhiên, WHO thừa nhận tính chất khẩn cấp của đợt bùng phát và cho biết việc kiểm soát sự lây lan hơn nữa của các ca mắc đậu mùa khỉ đòi hỏi những nỗ lực ứng phó mạnh mẽ.

Được biết, uỷ ban khẩn cấp có thể triệu tập lại bất cứ lúc nào, tùy thuộc vào sự thay đổi của tình hình nhiễm bệnh.

Trước đó, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Henri Kluge đã kêu gọi các chính phủ và xã hội dân sự “tăng quy mô nỗ lực” để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Tiến sĩ Kluge, “hành động khẩn cấp và phối hợp là bắt buộc nếu muốn tạo ra bước ngoặt trong cuộc đua nhằm đảo ngược sự lây lan đang diễn ra của căn bệnh này”.

WHO cho biết căn bệnh này có thể gây tử vong, nhưng vaccine đậu mùa có thể bảo vệ và một số loại thuốc kháng virus đậu mùa khỉ cũng đang được phát triển.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top