Khói bốc lên từ một nhà máy điện than ở bang Tây Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nhà khoa học cho biết việc không đạt được mục tiêu về khí thải đến năm 2030 sẽ đẩy thế giới đến những tác động về khí hậu không thể đảo ngược được, kể cả khi các nước đạt được mục tiêu đưa lượng khí thải ròng về 0 vào năm 2050.
Để phục vụ cho việc phân tích, Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu thuộc đại học Columbia University đã xem xét các kế hoạch khí hậu của các nước, được biết đến với tên gọi Đóng góp được quốc gia tự xác định (NDC).
Kết quả phân tích cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa mức độ của các NDC với lộ trình cần thiết để có thể đưa lượng khí thải ròng về 0 vào năm 2050.
Báo cáo cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), dù cam kết đưa lượng khí thải ròng về 0 vào năm 2050, nhưng được dự đoán sẽ chỉ giảm 27% lượng khí thải vào năm 2030 so với các mức năm 2015.
Lượng khí thải tại các nước như Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí còn được dự đoán sẽ tăng 10% trong thập kỷ này, bất chấp cam kết đưa lượng khí thải ròng bằng 0 sau năm 2050. Báo cáo còn cho thấy rất ít quốc gia biến các cam kết của mình thành hành động rõ ràng.
Ông James Glynn, một tác giả của báo cáo nói trên cho biết giá năng lượng tăng cao và những lo ngại về nguồn cung do căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến Mỹ và EU trì hoãn kế hoạch loại bỏ năng lượng từ than đá.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo ông, tình hình này có thể sẽ thúc đẩy đầu tư vào các hệ thống năng lượng carbon thấp tại châu Âu vì mục tiêu an ninh năng lượng trong tương lai.
Theo TTXVN/Vietnam+