Ảnh minh họa: Reuters
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với gần 6,5 triệu ca mắc và hơn 193.000 ca tử vong. Đáng lưu ý trong vòng 24 giờ qua, thế giới tiếp tục ghi nhận sự soán “ngôi” giữa các quốc gia về số ca lây nhiễm.
Ấn Độ hôm qua (7/9) đã vượt Brazil và trở thành quốc gia có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với hơn 4 triệu ca, trong đó gần 73.000 ca tử vong. Tại châu Âu, hôm qua (7/9), Tây Ban Nha cũng đã “qua mặt” Italy, trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên có số ca mắc mới theo ngày vượt mức 500.000. Pháp cũng ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong ngày tăng nhanh, với hơn 4.000 ca.
Với 25 ca tử vong mới theo ngày trong 24 giờ qua, Pháp trở thành quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số người tử vong do Covid-19. Đáng lo ngại là các ca lây nhiễm ở Pháp và Tây Ban Nha đều tăng ở người trẻ tuổi – những người được xem là có sức khỏe tốt và khả năng miễn dịch cao. Các ca lây nhiễm tăng nhanh ở các quốc gia này ngay sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, thế giới cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đại dịch tiếp theo. Tổ chức y tế toàn cầu này cũng kêu gọi các nước đầu tư vào hệ thống y tế công.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Đây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng. Lịch sử đã cho chúng ta bài học rằng, các ổ dịch và đại dịch là thực trạng của cuộc sống. Nhưng khi đại dịch tiếp theo xuất hiện, thế giới phải ở tư thế sẵn sàng hơn lúc này. Những năm gần đây, nhiều nước đã có những tiến bộ vượt bậc về y khoa, nhưng nhiều nước sao lãng hệ thống y tế cộng đồng cơ bản vốn là nền tảng để ứng phó với các ổ dịch truyền nhiễm”.
Cũng theo các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới, không có chỗ cho sự tự thỏa mãn vào lúc này. Dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát trở lại. Các ca mắc lẻ tẻ có thể biến thành cụm lây nhiễm và cụm lây nhiễm biến thành lây nhiễm cộng đồng.
Ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới nói: “Dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát trở lại. Các ca mắc lẻ tẻ có thể biến thành cụm lây nhiễm và cụm lây nhiễm biến thành lây nhiễm cộng đồng. Điều này khiến hệ thống y tế trở lên quá tải. Chúng ta đã thấy những ví dụ điển hình xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới thời gian qua. Chúng ta sẽ tiếp tục thấy điều đó xảy ra trong thời gian tới. Chúng ta cần tránh thái độ tự mãn để tránh dịch bệnh lan rộng”.
Trong lúc này, cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng Covid-19 vẫn được đẩy nhanh trên khắp thế giới. Những nước chưa hoặc đã công bố vaccine đều đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.
Tại Nga, hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko hôm qua cho biết, nước này sẽ cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các tình nguyện viên trong tuần này. Đây là một phần trong công tác thử nghiệm sau khi đăng ký vaccine. Trước đó cùng ngày, Nga thông báo sẽ hoàn tất thử nghiệm giai đoạn đầu của một vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 thứ hai vào ngày 30/9 tới.
Tại Trung Quốc, một đơn vị của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, công ty mẹ của tập đoàn Sinopharm Group hiện cũng đang thử nghiệm hai loại vaccine trên người và cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Trong khi đó, công ty BioNTech của Đức cũng vừa tuyên bố đang mở rộng phạm vi nghiên cứu toàn cầu của vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, bao gồm việc tiến hành thử nghiệm ngay tại Đức.
Theo VOV