1% những người giàu nhất đang sở hữu 47% tài sản thế giới và tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng - Ảnh: RTE
Theo RTE, đây là kết quả mới công bố trong báo cáo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston về tình hình tài sản của các cá nhân.
Theo đó, khoảng 18,5 triệu hộ gia đình trên thế giới đang sở hữu ít nhất 1 triệu USD giá trị tài sản mỗi gia đình trong tổng số khoảng 78,8 ngàn tỉ USD tổng tài sản kinh tế tạo ra mỗi năm trên toàn thế giới.
Như vậy, tổng tài sản mà 1% những người giàu nhất đang nắm giữ chiếm 47% tổng tài sản toàn cầu.
Thống kê tài sản trong báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston căn cứ vào các sở hữu tiền bạc, tài khoản, cổ phần nhưng không bao gồm bất động sản.
Và theo đó, 99% dân số còn lại sở hữu một nửa tài sản thế giới.
Cũng theo báo cáo này, số tài sản mà 1% dân số giàu nhất thế giới nắm giữ tăng ổn định thời gian qua, từ 45% năm 2013 lên 47% năm 2015. Kết quả này cũng tương đồng với những lo ngại mà giới chuyên gia kinh tế nêu lên về sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng.
Chi tiết hơn trong báo cáo, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về số triệu phú với 8 triệu người triệu phú. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 2 triệu người và Nhật Bản đứng thứ 3 với 1 triệu người.
Tuy nhiên nếu tính theo bình quân đầu người, nơi có mật độ người giàu có cao nhất thế giới lại ở những nước nổi tiếng về các công ty tránh thuế như Liechtenstein và Thụy Sĩ.
Nhìn về tổng thể, giá trị tài sản tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các nền kinh tế đang phát triển rất mạnh tại Đông Á.
Trong 5 năm qua, tỉ lệ tăng tài sản thường niên tại khu vực này là 12,3% và dự đoán vẫn tiếp tục duy trì mức tăng hơn 10% cho tới năm 2020.
Không tính Nhật Bản thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm tới hơn 40% tổng tài sản toàn cầu trong nửa thập kỷ tới. Hầu hết số tài sản này sẽ tập trung tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Báo cáo nhận định: “Năm 2017 dự kiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ vượt qua các nước châu Âu trở thành khu vực giàu có thứ hai trên thế giới”.
Theo Tuoitre