Một công trình xây dựng ở Ấn Độ. Ảnh: Livemint
Một báo cáo vừa được phát hành hôm qua (28/1) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nêu bật sự cần thiết phải đầu tư lớn vào xây dựng, nâng cấp các công trình công cộng và cho đầu tư vào khu vực tư nhân nhiều hơn nhiều. Theo ADB, không tính đến chi tiêu để giảm thiểu biến đổi khí hậu, vẫn cần đến 22,6 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ.
Cần có khoản đầu tư lớn đến 14,7 nghìn tỷ USD dành cho ngành năng lượng, 8,4 nghìn tỷ USD cho giao thông vận tải, 2,3 nghìn tỷ USD cho chi phí viễn thông và 800 tỷ USD cho hệ thống nước và vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, báo cáo chỉ rõ.
Phần lớn các công trình hạ tầng là điều cần thiết ở khu vực Đông Nam Á, chiếm 61% các ước tính của ADB. Khu vực Thái Bình Dương dẫn đầu tất cả các tiểu vùng khác cần mức đầu tư trị giá 9,1% GDP, tiếp theo là Nam Á với 8,8% GDP.
Dự báo mới về nhu cầu cơ sở hạ tầng hàng năm lên đến 1,7 nghìn tỷ - để thích ứng với biến đổi khí hậu, cao hơn gấp đôi con số 750 tỷ USD mà ADB ước tính hồi năm 2009 - mặc dù báo cáo mới nhất được đưa ra dựa trên 45 nước thành viên đang phát triển của ADB so với chỉ 32 nước trong thời gian trước và sử dụng mức giá năm 2015 so với của năm 2008.
Chính phủ các nước xung quanh khu vực này đang hứa hẹn dành các khoản chi tiêu mới khổng lồ cho các công trình công cộng, thường trong sự cạnh tranh các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng cũng đã bắt đầu tài trợ cho các dự án, cung cấp một lựa chọn thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) chịu ảnh hưởng của Mỹ và ADB được Nhật Bản hậu thuẫn.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bắt tay vào một kế hoạch cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trị giá 160 tỷ USD khi ông tìm cách duy trì mức tăng trưởng 7%, mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Malaysia, với các cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, được đẩy mạnh với nhiều dự án bao gồm các tuyến đường sắt mới tại thủ đô Kuala Lumpur, hay đường cao tốc West Coast.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ ước tính cần hơn 1,5 nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của đất nước trong thập kỷ tới, khi tiến hành hiện đại hóa quy mô lớn hệ thống đường sắt và những con đường trên cả nước. Ấn Độ cũng hướng đến việc liên kết 700.000 ngôi làng lại với nhau, xây dựng nhiều con đường hỗ trợ cho sự phát triển các vùng nội địa chứa đến 70% trong tổng dân số 1,3 tỉ người.
Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng cảnh báo rằng, cải cách rộng rãi là việc cần thiết để thu hút đầu tư tư nhân. Ngoài ra, khu vực này cũng có nhiều điểm hạn chế khác. Trong khi các chính phủ trên khắp châu Á đang hứa hẹn sẽ chi hàng trăm tỷ USD cho các công trình mới, thì việc hoàn thành đúng ngân sách và thời hạn cũng là một thách thức để các dự án được bắt đầu. Khu vực này cũng bị đeo đẳng bởi một số các vấn đề khác như tham nhũng, địa hình khắc nghiệt và quyền sử dụng đất phức tạp.
Tố Quyên (Lược dịch từ Bloomberg)