Khung cảnh đổ nát sau một trận động đất ở Nepal năm 2015. Ảnh: ADB
Ông Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết, “cứ 5 người bị ảnh hưởng bởi các thảm hoạ tự nhiên thì có 4 người sống ở châu Á. Những năm gần đây, châu Á đã dẫn đầu về những nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhưng vẫn cần hành động nhiều hơn để giải quyết tình trạng dễ tổn thương và ứng phó thảm họa ở cấp độ quốc gia và cộng đồng”.
Các hộ gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, các công ty nhỏ, cũng như các quốc gia nhỏ và xa như các quốc đảo Thái Bình Dương thường phải gánh chịu tổn hại nhiều nhất do các thảm họa. Và mặc dù biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều thảm hoạ tự nhiên hơn và quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng làm gia tăng các rủi ro, nhưng chỉ có khoảng 8% các thiệt hại do thảm họa ở Châu Á kể từ năm 1980 được bảo hiểm.
Báo cáo kêu gọi các nước tiếp tục củng cố kế hoạch để đối phó với các rủi ro thiên tai, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với khí hậu và có khả năng chống chịu thiên tai đặc biệt hiệu quả về chi phí trong việc giảm tổn thất liên quan đến thảm họa trong tương lai. Điều này cũng có thể bao gồm quản lý tài nguyên nước tốt hơn để đối phó với hạn hán, các tòa nhà cộng đồng an toàn trong động đất và xây dựng lại rừng ngập mặn để giảm thiểu xói mòn bờ biển.
Khu vực này cũng có thể sẽ được hưởng lợi nếu các chính phủ thường xuyên dành quỹ để huy động trong trường hợp thảm họa cũng như tăng cường sử dụng tín dụng và bảo hiểm, đặc biệt thông qua các sản phẩm chuyển giao rủi ro và tái bảo hiểm, nhằm cho phép chia sẻ rủi ro ở quy mô rộng hơn. Những nỗ lực quốc gia cần được bổ sung bằng hành động ở cấp cộng đồng, vì các khoản đầu tư, ví dụ như vào quản lý chất thải cộng đồng, có thể giúp tăng cường khả năng thích ứng.
Báo cáo lưu ý rằng việc nhanh chóng xây dựng lại các công trình bị ảnh hưởng thường được ưu tiên sau thảm họa, nhưng việc phục hồi nhanh chóng này cần được xem xét bên cạnh các mục tiêu khác, bao gồm tăng cường khả năng thích ứng trước các thảm hoạ trong tương lai, xem xét nhu cầu của các bộ phận dễ bị tổn thương trong xã hội và khôi phục tính năng động của nền kinh tế và xã hội ở khu vực bị ảnh hưởng. Chìa khóa cho vấn đề này là sự hợp tác giữa chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng trong việc ứng phó thảm họa như đã thấy sau trận động đất ở Nepal và Bão Pam ở Vanuatu, cả năm 2015.
ADB cam kết hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, bao trùm, kiên cường và bền vững, đồng thời duy trì các nỗ lực của mình để xóa đói nghèo cùng cực. Năm 2018, tổ chức này đã thực hiện cam kết về các khoản vay và trợ cấp mới lên tới 21,6 tỷ USD.
Tố Quyên (Lược dịch từ ADB)