ClockThứ Ba, 22/08/2017 15:24

Ám ảnh tàu chiến va chạm tàu hàng

Những con tàu chiến được trang bị công nghệ tối tân nhưng vẫn va chạm như thường với các tàu khác trên biển giờ không còn là chuyện lạ. Vụ mới nhất xảy ra sáng 21/8.

 

Ám ảnh tàu chiến va chạm tàu hàng
USS John S. McCain là tàu khu trục lớp Arleigh-Burke, thuộc đội tàu khu trục 15, hạm đội 7 của hải quân Mỹ. Chiến hạm này đang đồn trú tại căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản. Tàu được hạ thủy ngày 2/7/1994 và hoạt động liên tục từ đó tới nay. Đây là tàu nổ phát súng đầu tiên, bắt đầu chiến tranh vùng Vịnh năm 2003. Trong ảnh: tàu khu trục USS John S. McCain sau khi va chạm ngày 21/8. Ảnh: Reuters

Khoảng 5h24 sáng 21/8 (giờ Singapore), tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain đã va chạm với tàu chở dầu cắm cờ Liberia Alnic MC trên vùng biển phía đông Singapore.

Chỉ mới hai tháng trước đó, một tàu khu trục khác mang tên USS Fitzgerald cũng đã va chạm với tàu chở hàng Philippines ACX Crystal khiến 7 thủy thủ thiệt mạng. Vụ này vẫn chưa giải quyết xong.

Tổn thất nặng nề

Theo thông tin từ hải quân Mỹ, khi sự cố xảy ra, tàu khu trục John S. McCain đang thực hiện hành trình định kỳ tới Singapore. Báo cáo ban đầu cho hay có 10 thủy thủ mất tích, 5 người khác bị thương sau vụ va chạm.

Tai nạn làm tàu khu trục bị thủng một lỗ lớn khiến nước tràn vào làm ngập nhiều khu vực phía dưới, trong đó có một khoang ngủ của thủy thủ đoàn, máy móc và phòng liên lạc.

Hải quân Mỹ cũng cho biết công tác tìm kiếm và cứu hộ các thuyền viên đã được triển khai trên diện rộng.

Chính quyền Singapore đã điều lực lượng cảnh sát biển cùng tàu chiến RSS Gallant phối hợp với chiến hạm Mỹ USS America tìm kiếm các thủy thủ mất tích càng sớm càng tốt.

Thảm họa được báo trước

Không giống trên đất liền, va chạm hàng hải rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, những sự cố liên tiếp gần đây chứng minh rằng quan niệm này chỉ mang tính chất tương đối.

10 năm trước, khi đang đứng trên boong tàu Fitzgerald, ông Scott Cheney-Peters, nhà sáng lập Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC), đã nhận định: “Cho dù máy móc có tân tiến đến mức nào thì mọi va chạm hàng hải vẫn đều có chung xuất phát điểm: đó là từ yếu tố con người mà ra”.

Lời tuyên bố trên không hoàn toàn vô căn cứ. Mặc dù được “trang bị tận răng” công nghệ định vị tối tân bậc nhất thế giới, các vụ va chạm hàng hải với sự “góp mặt” của tàu chiến hải quân Mỹ vẫn không hề thuyên giảm mà ngược lại, có cường độ và tần suất tăng dần theo năm tháng.

Kỷ lục buồn của hải quân Mỹ

Hai vụ va chạm liên tục chỉ trong hai tháng khiến người ta nhớ lại những kỷ lục buồn của hải quân Mỹ - lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới.

Ngày 14/6/1989, tàu ngầm USS Houston bất ngờ “lủi” vào tàu đầu kéo Barcona khiến một hành khách tàu này chết đuối.

Tiếp đó, vào ngày 13/7/2000, tàu đổ bộ USS Denver đã va chạm với tàu chở dầu USNS Yukon khi đang diễn tập tiếp nhiên liệu tại bờ tây Hawaii.

Tuy không xảy ra thương vong, cả hai chiến hạm đều bị hư hại nặng. Bẵng đi một thời gian, tàu chở dầu Yukon lại tiếp tục va chạm với tàu tấn công đổ bộ USS Essex ngày 16/5/2012.

Nguy hiểm hơn, ngày 18/8/2016, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo USS Louisiana tông hỏng mạn sườn tàu phụ trợ USNS Eagleview tại eo biển Juan miền Fuca, ngoài khơi bang Washington.

Đáng chú ý, vụ va chạm khiến buồng chứa vũ khí hạt nhân của tàu ngầm bị chấn động dữ dội. Rất may không có quả tên lửa nào phát nổ.

USS John F. Kennedy - chiến hạm tai ương

Trong lịch sử hải quân Mỹ, có lẽ sẽ không có một chiến hạm nào lại gieo rắc đau thương và mất mát như tàu sân bay John F. Kennedy.

Vào ngày “định mệnh” 22/7/2004, tàu này đã tông chìm một “Dhow” - loại tàu buồm Ả Rập - trên vịnh Ba Tư. Ước tính 15 người thiệt mạng.

Trước đó, John F. Kennedy cũng đã phá hủy tàu tuần dương USS Belknap sau một cú va chạm tại Địa Trung Hải ngày 22/11/1975.

Ngọn lửa bùng cháy dữ dội trên tàu Belknap đã tước đi sinh mạng của 8 thủy thủ và khiến hàng chục thuyền viên khác trên cả hai con tàu bị thương.

Chỉ vài tháng sau, John F. Kennedy lại tông tàu USS Bordelon, vốn tham gia ứng cứu khẩn cấp tàu Belknap năm trước, và khiến tàu này phải “nghỉ hưu” sớm vì hư hỏng quá nặng.

Sau tai nạn, tàu khu trục John S. McCain được các tàu lai dắt kéo trở về căn cứ hải quân Changi vào chiều 21/8.

Bốn trong số năm thủy thủ bị thương đã được trực thăng sơ tán tới một bệnh viện ở Singapore. Không trường hợp nào bị nguy hiểm tính mạng.

Một thành viên trong thủy thủ đoàn của tàu hàng Alnic MC cho biết chiếc tàu này chở gần 12.000 tấn dầu nhiên liệu từ Đài Loan tới Singapore.

Rất may đã không xảy ra sự cố tràn dầu. Cơ quan cảng vụ hàng hải Singapore thông báo không ai bị thương trên tàu Alnic. Tàu này cũng bị hư hại một phần ở phía trên mớn nước.


Theo Tuoitre

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chìm tàu hàng trên biển, 2 thuyền viên mất tích

Sáng 17/12, ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đang tích cực phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cùng các cơ quan chức năng tổ chức tiếp nhận bàn giao 7 thuyền viên và tìm kiếm 2 thuyền viên đang còn mất tích trên tàu Gia Bảo 19.

Chìm tàu hàng trên biển, 2 thuyền viên mất tích
Hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho tàu container vào cảng Chân Mây

Đó là thông tin từ Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây” vừa được ban hành, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.

Hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho tàu container vào cảng Chân Mây
Cứu nạn 14 thuyền viên tàu hàng bị hỏng máy trên biển

Chiều 26/9, Cảng vụ Hàng hải tỉnh, cho biết 14 thuyền viên, gồm 5 người Việt Nam và 9 người Trung Quốc trên tàu hàng China Board 1 (quốc tịch Panama, trọng tải 4914,5 DWT) đang được tàu SAR412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II cứu nạn đưa vào cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc trước khi bão Noru gây ảnh hưởng.

Cứu nạn 14 thuyền viên tàu hàng bị hỏng máy trên biển

TIN MỚI

Return to top