|
Ảnh minh họa. Nguồn: bankinfosecurity.com |
Trong đơn đệ trình lên tòa, Apple cáo buộc Chính phủ Mỹ đã vượt quá quyền hạn pháp lý khi yêu cầu công ty này "phá khóa" điện thoại iPhone.
Phát biểu với báo giới, ban quản trị của Apple cho hay yêu cầu từ phía Chính quyền Washington sẽ buộc tập đoàn công nghệ này phải tạo ra một "hệ điều hành mới" hay "hệ điều hành chính phủ" cho phép các chuyên gia của FBI dễ dàng bẻ khóa các điện thoại iPhone.
Đây là hành động vi phạm quyền hợp hiến của Apple khi buộc công ty này phải tạo ra phần mềm ảnh hưởng đến giá trị của hãng, và thậm chí còn có nguy cơ phần mềm này lọt vào tay đối tượng nguy hiểm.
Quyết định của Apple đưa ra không lâu sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiến nghị yêu cầu tòa án có lệnh buộc Apple hỗ trợ FBI, khẳng định cơ quan này không cần một chương trình "bẻ khóa mọi điện thoại iPhone."
Trước đó, cùng ngày, Giám đốc FBI James Comey trong một phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Hạ viện một lần nữa nhấn mạnh các nỗ lực của cơ quan này không nhằm tạo ra một tiền lệ mà để bảo đảm một tiến trình điều tra hiệu quả.
Theo quan chức này, mặc dù công tác bảo mật là quan trọng, cơ quan chức năng cần có quyền tiếp cận một số thông tin để bảo đảm an ninh cộng đồng và an toàn cho người dân.
Apple hiện đang đối mặt với nhiều sức ép sau khi từ chối hỗ trợ các cơ quan điều tra đẻ bẻ khóa điện thoại iPhone của Syed Rizwan Farook - một trong hai thủ phạm tấn công một trung tâm đào tạo người khuyết tật tại thành phố San Bernardino.
FBI đề nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên sau nhiều nỗ lực phá mật không thành. Vụ việc đã thổi bùng lên hai ý kiến trái chiều.
Một khảo sát do hãng nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 51% người dân Mỹ ủng hộ những nỗ lực pháp lý của chính quyền Washington nhằm buộc Apple mở khóa chiếc iPhone, trong khi tỷ lệ ủng hộ “gã khổng lồ” công nghệ này là 39%.
Nhiều hãng công nghệ Mỹ - gồm Google, Facebook và Twitter - đã lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI.
Trong một nỗ lực phá vỡ tình thế bế tắc hiện tại, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã kêu gọi tổ chức một phiên điều trần với sự tham gia của cả đại diện Apple và FBI vào ngày 1/3 tới.
Một tuyên bố của ủy ban trên cho biết mục đích cuộc họp nhằm tìm kiếm một giải pháp cho phép giới hành pháp làm nhiệm vụ mà không làm tổn hại tới tính cạnh tranh của các công ty Mỹ cũng như quyền riêng tư của người dân./.
Theo Vietnam+