|
Châu Âu mừng lễ Giáng sinh với nhiều lo ngại về an ninh, song lượng du lịch vẫn ở mức cao. Ảnh minh hoạ: EPA/TTXVN/Báo Tin tức |
Cụ thể, vụ xả súng tại trường đại học ở Cộng hoà Séc xảy ra gần đây, cùng với một vụ xả súng và đâm dao khác đã xảy ra ở Bỉ và Pháp trước đó đã và đang làm gia tăng mối lo ngại về an ninh, phủ bóng đen lên niềm vui trong kỳ nghỉ lễ ở lục địa này.
Dù vậy, bất chấp cảnh báo liên tục từ các cơ quan an ninh, nhiều du khách vẫn khẳng định những lo ngại này sẽ không cản trở kế hoạch nghỉ lễ của họ. Điều này được thể hiện khi Công ty phân tích du lịch ForwardKeys chỉ ra rằng du lịch nội địa châu Âu sẽ vượt mức năm 2022, nhờ nhu cầu du lịch được duy trì trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Rủi ro lớn
Một báo cáo từ Văn phòng An ninh Quốc gia về Chống Khủng bố của Vương quốc Anh trích dẫn dữ liệu từ Tây Âu cho hay, các cuộc tấn công khủng bố không tuân theo bất kỳ mô hình rõ ràng nào. Tuy nhiên, dịp Giáng sinh luôn tạo cơ hội cho các cuộc tấn công, không chỉ vì đây là thời gian diễn ra lễ hội nhộn nhịp mà còn vì tính biểu tượng tôn giáo.
Trong đó, giữa lúc xung đột giữa Israel và Hamas vẫn chưa kết thúc, cộng thêm sự phân cực mà xung đột gây ra trong xã hội, cùng với kỳ nghỉ lễ, có nguy cơ rất lớn sẽ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande Marlaska cho rằng, trong bối cảnh quốc tế đặc biệt tế nhị, tình hình ở Trung Đông có thể làm gia tăng căng thẳng, làm tăng sự phân cực và thúc đẩy khủng bố.
Với lịch sử xảy ra các vụ tấn công khủng bố trong mùa Giáng sinh ở châu Âu, những lo ngại về an ninh là có cơ sở.
Các biện pháp an ninh tăng cường
Các cơ quan an ninh châu Âu đã nhấn mạnh đến nguy cơ ngày càng tăng do “những con sói đơn độc”, được định nghĩa là những kẻ tấn công cực đoan hoá và không có mối quan hệ chính thức nào với các nhóm cực đoan đã thành lập.
Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức Thomas Haldenwang cảnh báo, phần lớn mối đe doạ về an toàn phát sinh từ khả năng các cá nhân cực đoan cố gắng tấn công “các mục tiêu mềm”.
Để đối phó với mối nguy hiểm ngày càng tăng này, các nước châu Âu đã ban hành nhiều biện pháp khác nhau. Uỷ viên Nội vụ EU Ylva Johansson đã công bố tăng cường tài chính, trong đó Uỷ ban châu Âu phân bổ thêm 30 triệu Euro (tương đương 33 triệu USD) để tăng cường an ninh ở các khu vực dễ bị tổn thương, bao gồm cả những nơi thờ cúng, cầu nguyện.
Chính phủ các nước trong khu vực cũng đang tăng cường giám sát những kẻ cực đoan, một nhiêm vụ đầy thách thức khi xét đến số lượng đáng kể các cá nhân ở châu Âu nằm trong danh sách theo dõi khủng bố.
Chính quyền Đức, cả ở cấp liên bang và tiểu bang, đang hợp tác chặt chẽ để sớm xác định các mối đe doạ tiềm ẩn, đồng thời tăng cường sự hiện diện của cảnh sát ở nhiều khu vực. Tương tự, hệ thống cảnh báo an ninh Vigipirate của Pháp cũng được nâng lên mức cao nhất, trong đó triển khai các biện pháp tăng cường an ninh tại các khu vực công cộng trên toàn quốc kể từ giữa tháng 10.
Kể từ vụ xả súng ở Brussels vào ngày 16/10, hiện lãnh đạo địa phương vẫn duy trì hành động và đảm bảo với công chúng rằng khu vực này đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân khi năm mới đang đến gần.
Tình trạng này cũng thúc đẩy chính quyền Thụy Điển tăng cường thu thập thông tin tình báo và áp dụng các chính sách như cấm mang túi xách tại các sự kiện công cộng lớn.
Nhiều ý kiến đóng góp
Chuyên gia nghiên cứu khủng bố người Bỉ Pieter Van Ostaeyen từ trường Đại học KU Leuven chia sẻ với phóng viên các báo rằng việc tránh tất cả các cuộc tụ tập đông người là một quyết định đúng đắn và được nhiều người ủng hộ khi thống kê khảo sát, bởi đám đông có nhiều khả năng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công.
Chuyên gia Pieter Van Ostaeyen cũng kêu gọi người dân “đánh giá tình hình một cách thực tế” vì không thể kiểm tra tất cả mọi người tại những buổi tụ tập cuối năm như đêm Giao thừa.