ClockChủ Nhật, 15/01/2017 10:47

ASEAN 2017 dưới nhiệm kỳ của Philippines

Tuyên bố “thắt chặt những tình cảm vốn có, dù có theo đuổi những mối quan hệ mới” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể phản ánh tương lai của ASEAN dưới nhiệm kỳ của Philippines.

Philippines hy vọng Bộ Quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc hoàn thành giữa năm 2017ASEAN là nền tảng chính sách đối ngoại của Indonesia trong 2017ASEAN sẽ thay đổi trong năm mới

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hôm 12/1 - Ảnh: Reuters

Hôm nay (15/1) là thời điểm Philippines tổ chức sự kiện ra mắt và tiếp nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2017. Các cơ quan phối hợp an ninh tại Philippines đã chuẩn bị cho sự kiện trên tại thành phố Davao, với sự tham gia của 3.000 - 4.000 nhân viên an ninh, theo trang tin Rappler.

Chú trọng đoàn kết, 
ưu tiên hòa bình

Những chính sách của Philippines vì thế sẽ đóng góp phần lớn vào bức tranh quan hệ quốc tế của ASEAN năm 2017, thời điểm đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

ASEAN đã trải qua một năm 2016 sôi động. Bên cạnh việc chứng tỏ vị thế và sức ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế của khu vực, ASEAN cũng gặp nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là cân bằng giữa lợi ích quốc gia và duy trì tính gắn kết ở thời điểm ASEAN hình thành một cộng đồng, đặc biệt về vấn đề Biển Đông.

Không đâu xa, Philippines năm ngoái là tâm điểm trong vụ kiện yêu sách chủ quyền Trung Quốc đối với Biển Đông. Phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, nhưng thái độ của Philippines sau đó lại gợi lên nhiều suy nghĩ. Manila không tiếp tục dùng phán quyết ấy để gây sức ép lên Bắc Kinh, thay vào đó tiếp cận mềm mỏng và tiến hành đàm phán song phương ở một số khu vực tranh chấp.

Trong phát biểu ngày 11/1, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nhắc lại việc không đưa vụ kiện trên vào chương trình nghị sự của ASEAN: “Chúng tôi không đẩy căng thẳng của vấn đề lên cao... bởi vì thực sự không được lợi ích gì cả”.

Tổng thống Philippines Duterte cũng nhấn mạnh ưu tiên của Philippines trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN là tăng cường thắt chặt quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết giữa các thành viên ASEAN.

Ông nói tại buổi lễ kỷ niệm truyền thống đầu năm của Philippines ở Phủ tổng thống: “Philippines đề cao giá trị của các đối tác, trong lúc thúc đẩy những mối quan hệ bạn bè đã tồn tại ngay cả khi tìm kiếm những mối quan hệ mới... Chúng tôi tin rằng những người bạn sẽ giúp đỡ lẫn nhau và vận dụng những cam kết mang tính xây dựng để đạt được những thành tựu chung”.

Các động thái trên đều phản ánh cách xử lý lâu nay của chính quyền Tổng thống Duterte, từ lúc ông nhậm chức giữa năm ngoái. Cựu thị trưởng thành phố Davao này tỏ ra mạnh tay với tệ nạn ma túy và khủng bố, trong khi mềm mỏng và ưu tiên các biện pháp hòa bình trong quan hệ quốc tế cũng như việc giải quyết mâu thuẫn với các đảng phái trong nước hoặc cộng đồng người Hồi giáo ở Philippines.

Có thể thấy trong năm 2017, Philippines sẽ tiếp tục lấy sự ổn định, đoàn kết, các phương pháp giải quyết hòa bình làm ưu tiên khi bàn về tình hình Biển Đông.

Mở rộng vòng tay

ASEAN dưới nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Philippines cũng dự kiến mở rộng các mối quan hệ bên ngoài, nhằm tận dụng các nguồn lực phong phú cho lợi ích chung của khối cũng như vấn đề hợp tác với những đối tác khác như Nhật Bản và Úc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang trong chuyến thăm đến bốn nước Philippines, Úc, Indonesia và Việt Nam. Ông đã gặp gỡ Tổng thống Duterte tại Manila hôm 12/1. Trong tuyên bố chung, hai lãnh đạo nhất trí về việc sử dụng biện pháp hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng cam kết nâng cao năng lực hàng hải của Philippines và ủng hộ việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và ASEAN nói chung. “Chúng tôi ủng hộ ASEAN về nỗ lực tăng cường tình đoàn kết và vai trò trung tâm, và phát triển như một cộng đồng mở cửa, tự do” - ông Abe nói.

Trước việc ông Donald Trump sắp chính thức là tổng thống Mỹ vào ngày 20-1, các chính sách còn mù mờ của Mỹ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là động lực thúc đẩy ASEAN mở rộng quan hệ. Nhật Bản và Úc là những đối tác gần gũi và thiện chí, trong khi Ấn Độ cũng bày tỏ ý định cam kết quan hệ với ASEAN nên sẽ là đối tác rất tiềm năng.

Bên cạnh đó, Úc là nước thể hiện vai trò và mong muốn hợp tác ngày càng mạnh mẽ với ASEAN, theo Jakarta Post hôm 13/1. Năm ngoái tại Vientiane (Lào), lần đầu tiên một hội nghị định kỳ hai năm giữa ASEAN và Úc đã diễn ra.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng Úc “hiểu được” ASEAN và những nhu cầu phát triển của khối, trong khi Thủ tướng Úc Michael Turnbull đề xuất một cuộc họp cấp cao của lãnh đạo Úc - ASEAN vào năm 2018.

Như vậy, ý tưởng về việc thúc đẩy ASEAN đi theo hướng vừa thắt chặt tình bạn giữa các thành viên, vừa tranh thủ tất cả những mối quan hệ quan trọng ngoài khu vực có thể sẽ định hình hướng đi của ASEAN năm nay khi khối này kỷ niệm 50 năm thành lập.

Tem kỷ niệm 50 năm ASEAN

Tập đoàn Bưu chính Philippines chuẩn bị ra mắt con tem kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (1967 - 2017), đồng thời cũng là năm Philippines giữ nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Hình ảnh từ báo địa phương Davao Today hôm 13/1 cho thấy con tem mang ba màu xanh dương, trắng và đỏ, những màu trong lá cờ Philippines. Con tem này in dòng chữ ASEAN 50, PHILIPPINES 2017 kèm theo khẩu hiệu “Hợp tác để thay đổi, hội nhập thế giới”. Ngoài ra, con tem cũng kèm theo 10 ngôi sao vàng, tượng trưng cho 10 quốc gia thành viên ASEAN.

“Dưới tư cách là thành viên sáng lập ASEAN, nhiệm kỳ của Philippines và việc làm chủ nhà cho ASEAN là sự kiện cột mốc lịch sử, khi chúng tôi cũng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức khu vực này” - tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Philippines Joel Otarra nói trong một phát biểu ngày 13/1.

Dự kiến Philippines sẽ in 101.000 con tem này, bán ra với giá 12 peso mỗi chiếc.

Phải giữ ASEAN thống nhất, 
đoàn kết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Bằng mọi giá phải giữ được một ASEAN thống nhất, đoàn kết, từ đó mới hình thành sức mạnh. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam cũng như ASEAN cần tận dụng tất cả các nguồn lực để phát huy vai trò của mình, trong đó ngoài Mỹ, ASEAN cũng sẽ mở rộng quan hệ với các nền kinh tế lớn, mà Ấn Độ là một trong những địa chỉ thể hiện mong muốn hợp tác rõ ràng và có tiềm năng lớn nhất”.

Theo Tuổi trẻ

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hòa nhọc nhằn Philippines, ĐT Việt Nam chưa cầm chắc vé vào bán kết

Trong trận đấu trên sân cỏ nhân tạo Rizal Memorial tại Philippines, ĐT Việt Nam đã trải qua 90 phút đầy khó khăn khi chỉ giành được 1 điểm sau trận hòa 1-1 trước đội chủ nhà. Kết quả này khiến thầy trò HLV Kim Sang Sik chưa thể chính thức giành vé vào bán kết AFF Cup 2024, khi vẫn còn phụ thuộc vào lượt trận cuối.

Hòa nhọc nhằn Philippines, ĐT Việt Nam chưa cầm chắc vé vào bán kết
ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững
Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng

Theo dữ liệu vừa được công bố của Tập đoàn UOB, du lịch nội khối của các nước Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, với sự phục hồi về lưu lượng hành khách nói chung trong khu vực. Bất chấp những thách thức kinh tế và xã hội đang diễn ra, nhu cầu du lịch của người dân châu Á nói chung - Đông Nam Á nói riêng vẫn đầy hứa hẹn, trong đó du khách có xu hướng ưu tiên đặt các chuyến đi ngắn ngày hơn và tìm kiếm những chuyến du lịch nhanh ra nước ngoài với chi phí tốt nhất.

Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng
Return to top