Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất tại một nhà máy giày ở thành phố Tangerang, Indonesia. Ảnh: AFP
Báo cáo đánh giá 48 thị trường trên thế giới cho thấy, Trung Quốc được xếp hạng là nơi sản xuất cạnh tranh nhất về chi phí. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á lọt vào top 15 địa điểm nhà máy cạnh tranh nhất về chi phí là Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, và Philippines.
Bà Lisa Graham, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghiệp khu vực của Cushman & Wakefield cho biết: “Ngành sản xuất toàn cầu đã bước sang một kỷ nguyên mới, đánh dấu bằng sự ảnh hưởng ngày càng tăng của công nghệ trong việc giải quyết năng suất, tình trạng thiếu hụt lao động và an toàn trong sản xuất và hậu cần”.
“Chúng tôi đang chứng kiến những địa điểm có chi phí thấp trước đây như Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển thông qua chuỗi sản xuất giá trị, nhờ sự hỗ trợ của quốc gia về áp dụng công nghệ. Đó là lý do tại sao các quốc gia châu Á thể hiện một cách nổi bật trong bảng xếp hạng của chúng tôi”, bà Lisa Graham nói thêm.
Tuy nhiên, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghiệp khu vực của Cushman & Wakefield cũng cảnh báo: “Vẫn hiện hữu những quan ngại về các vấn đề sở hữu trí tuệ trong khu vực, điều này đồng nghĩa với việc, mặc dù có chi phí cao hơn, các quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục phát triển mạnh với vai trò là những cơ sở sản xuất”.
Trong một động thái liên quan, bà Christine Li, người đứng đầu phụ trách nghiên cứu Singapore và khu vực Đông Nam Á của Cushman & Wakefield nhận định trong một tuyên bố: “Singapore cũng sẽ hưởng lợi chính trong quá trình chuyển đổi sang Công nghiệp 4.0, khi nơi này tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm theo kịp sự chuyển đổi nhanh chóng trong hoạt động sản xuất. Khung pháp lý mạnh mẽ của Singapore cung cấp cho các nhà sản xuất một mức độ bảo vệ hợp lý khỏi những rủi ro sở hữu trí tuệ và địa chính trị”.
Lê Thảo (Lược dịch từ Business Times)