ClockThứ Tư, 13/02/2019 14:28

Các nước cam kết đóng góp cho thành công của Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2

Mỹ và Triều Tiên đang liên tục xúc tiến những bước đi mang tính đột phá ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2: Cơ hội vàng chấm dứt chiến tranh Triều Tiên?Hà Nội là nơi chính thức diễn ra Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Bước ngoặt hay cơ hội cuối cùng?Mỹ-Triều bắt đầu tiến hành xúc tiến các cuộc gặp cấp cao

Bên cạnh những nỗ lực của hai nước, các bên liên quan như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc cũng đang đặt rất nhiều kỳ vọng cũng như cam kết góp phần tạo dựng thành công cho hội nghị vốn được xem là “cơ hội quyết định” cho quan hệ Mỹ-Triều, đồng thời đặt nền móng cho tương lai hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái). Ảnh: Vox
Tờ Korea Times dẫn nguồn thạo tin đàm phán Mỹ-Triều ngày 12/2 cho biết, Triều Tiên đã nhất trí “trên nguyên tắc" cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát quá trình giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng như đề nghị của Mỹ. Tuy nhiên cách thức và thời gian cụ thể sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán tới đây. Đây được xem như bước đi đột phá giữa lúc Mỹ và Triều Tiên ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/2 tới.
 
Quyết tâm xích lại gần nhau giữa Mỹ và Triều Tiên cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều bên liên quan. Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc đánh giá cao nỗ lực của Triều Tiên và Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và hy vọng hai bên sẽ tiếp tục tìm ra tiếng nói chung.
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (12/2) thông báo, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và người đồng cấp Nga Igor Morgulov, hai bên bày tỏ hy vọng cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ thu được “trái ngọt”, đồng thời tái khẳng định cam kết tiếp tục các nỗ lực chung tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
 
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ tin tưởng Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ trở thành bước ngoặt quan trọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và kiến tạo hòa bình.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cuối tuần qua cũng một lần nữa nhắc lại rằng: “Trong năm nay, chúng ta thực sự cần phải thực hiện một số bước tiến lớn đối với tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như hướng tới mục tiêu hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 sẽ phải đưa ra một số kết quả cụ thể, những tiến bộ cụ thể trong việc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.
 
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ James Inhofe cũng vừa khẳng định dù diễn biến cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim có ra sao thì kết quả chắc chắn sẽ cụ thể hơn những gì đạt được tại Singapore. Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều hồi tháng 6/2018 ở Singapore chỉ diễn ra chóng vánh trong 1 ngày, chưa tạo ra được nhiều tiến triển thiết thực mà hai bên mong đợi. Vì vậy, với thời gian gấp đôi, trong hai ngày 27 và 28/2 sắp tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cơ hội thảo luận sâu hơn cũng như sẽ có các cuộc tiếp xúc gần gũi hơn. Rõ ràng trọng trách to lớn đang đổ dồn lên vai hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều khi họ tới Hà Nội cuối tháng 2/2019.
 
Chưa rõ hai bên có đạt được thêm bất kỳ thỏa thuận mang tính đột phá nào hay không trong cuộc gặp quan trọng sắp tới, song ít nhất thiện chí gặp nhau thêm một lần nữa để hiểu nhau hơn và xây dựng niềm tin cũng đã cho thấy rõ quyết tâm của Mỹ và Triều Tiên hướng tới hóa giải những bất đồng và cách biệt còn tồn tại trong quá khứ, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn cho bán đảo Triều Tiên.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top