Các nguồn đầu tư cho đến nay chủ yếu là từ các công ty dầu mỏ nhà nước như ONGC của Ấn Độ, PTTEP của Thái Lan và PetroVietnam, những nước cần sản xuất nhiều dầu và khí đốt hơn để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Một lò đốt tại nhà máy lọc dầu lớn nhất Châu Á Jamnagar Refinery của tập đoàn Reliance. Ảnh: Reliance
Châu Á là khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, nhưng sản lượng khai thác của khu vực này đang suy giảm nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác. Ước tính, tổng chi phí nhập khẩu dầu của châu Á tăng gấp đôi lên khoảng 500 tỷ USD vào năm ngoái so với năm 2000.
Với mức giá dầu trên 60 USD/thùng và có lúc tiệm cận 70 USD/thùng, những công ty sản xuất dầu mỏ và các quốc gia nhập khẩu đang gia tăng chi phí đầu tư cho khai thác, sản xuất để tạo thêm nguồn cung và giảm nhập khẩu.
Theo chuyên gia tư vấn của Rystad Energy, 50 mỏ dầu và khí đốt ở Đông Nam Á, với tổng sản lượng tương đương 4 tỷ thùng dầu, có thể sẽ được phê duyệt các khoản đầu tư phát triển trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, với chi phí sản xuất ban đầu vào tầm 28 tỷ USD.
Mới đây, tập đoàn dầu mỏ Mubadala của Abu Dhabi, Petronas thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia và Royal Dutch Shell - công ty liên doanh giữa Anh và Hà Lan đã đồng ý rót vốn 1 tỷ USD cho một dự án khí đốt ở Malaysia.
Tại Ấn Độ, những thay đổi trong chính sách về giá khí đốt đã giúp hồi sinh các hoạt động khai thác tại các vùng nước sâu phía đông do ONGC và một công ty liên doanh giữa Reliance Industries và BP dẫn đầu.
Tại Đông Nam Á, PetroVietnam đang phát triển một dự án khai thác dầu khí hàng chục tỷ USD có tên là Block B, trong khi PTTEP của Thái Lan đang lùng sục nguồn cung khí đốt bổ sung trong khu vực để đáp ứng nhu cầu ở Thái Lan và Myanmar.
Tuy vậy, việc thăm dò dầu khí ở châu Á vẫn còn ở kém sôi nổi so với các khu vực khác, đặc biệt là trên dải bờ biển Bắc Mỹ và trong lưu vực Đại Tây Dương.
Thế Vĩnh (lược dịch từ Reuters)