Cần hành động nhiều hơn nữa để cải thiện thói quen ăn uống của người dân. Ảnh: Devdiscourse
Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là khi chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng đang nằm trong top các nguyên nhân chính gây nên bệnh tật toàn cầu. Thậm chí có đến 1/5 số ca tử vong trên thế giới là hậu quả của vấn đề này.
Theo báo cáo dinh dưỡng toàn cầu mới nhất, các nhà nghiên cứu cho biết tiêu thụ thực phẩm không an toàn, không lành mạnh, hoặc không đủ số lượng thức ăn cần thiết, bao gồm cả các trường hợp trẻ em không được cung cấp đủ lượng sữa mẹ là những nguyên nhân đã và đang làm trầm trọng hơn tình trạng suy dinh dưỡng.
Jessica Fanzo, Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) – tác giả chính thực hiện báo cáo nhận định: “Chế độ ăn uống, dinh dưỡng là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra tình trạng tử vong cho người dân trên toàn thế giới. Sau qua trình thu thập số liệu, các ca tử vong do chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu chất còn nhiều hơn số trường hợp qua đời bởi ô nhiễm không khí và các biến chứng của thói quen hút thuốc lá”.
Thêm vào đó, sự thiếu kiến thức và khả năng chi trả cho các loại thực phẩm chất lượng, cũng như chuỗi cung ứng không đảm bảo cũng là những nhân tố góp phần vào chế độ dinh dưỡng nghèo nàn của một bộ phận người dân.
Được khảo sát trên 194 quốc gia, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng suy dinh dưỡng có thể khiến thế giới tổn thất đến 3,5 nghìn tỷ USD/năm, trong khi con số tổn thất của thừa cân, béo phì là khoảng 500 tỷ USD/năm.
Đến nay, mỗi quốc gia đều đang đối diện với một số dạng thức của suy dinh dưỡng nhất định như: trẻ em thiếu máu, thấp hơn so với độ tuổi thật, phụ nữ mắc chứng suy dinh dưỡng thể béo phì – tức là thừa cân nhưng thiếu dinh dưỡng do chế độ ăn không làm mạnh. Ngoài ra, số lượng trẻ em béo phì tại các nước cũng chứng kiến mức tăng đáng kể với cùng nguyên nhân.
Với tình trạng này, hầu hết các nước không thể đáp ứng 9 mục tiêu toàn cầu về dinh dưỡng mà chính phủ đã ký kết và cam kết đạt được vào năm 2025 bao gồm giải quyết béo phì, tiểu đường, thiếu máu và tăng cường sức khỏe cho trẻ em.
Nhận thấy tầm quan trọng của tiến trình đối phó, giới chức Amsterdam đã đề ra một số sáng kiến như xây dựng đài uống nước công cộng, hạn chế quảng cáo thực phẩm và cung cấp đồ ăn nhẹ lành mạnh trong môi trường học đường. Ngoài ra, giảm chất thải thực phẩm cũng có thể cải thiện dinh dưỡng. Điều này được thể hiện chính xác nhất khi mỗi năm có hơn ½ số lượng trái cây, rau củ bị lãng phí.
Trong một dữ kiện có liên quan, giáo sư Fanzo khẳng định dinh dưỡng rất quan trọng để xây dựng khả năng miễn dịch, chống lại bệnh tật, cũng như hỗ trợ tăng cường nhận thức của con người.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)