Ở những thành phố như Bắc Kinh (Trung Quốc), khói mù là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Ảnh: UN
Khi đại diện của gần 200 quốc gia trên thế giới đang ngồi lại cùng nhau để xác định những cách thức thực hiện các hành động khí hậu và đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, WHO nhấn mạnh rằng điều đó không chỉ có lợi cho hành tinh này mà ước tính còn có thể giúp cứu mạng sống của 1 triệu người chỉ thông qua việc giảm ô nhiễm không khí.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Hiệp định Paris có thể là thỏa thuận sức khỏe lớn mạnh nhất của thế kỷ này. Bằng chứng rõ ràng là biến đổi khí hậu có tác động nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe con người. Nó đe dọa các yếu tố cơ bản mà tất cả chúng ta cần để có sức khỏe tốt, bao gồm không khí trong lành, nước uống an toàn, cung cấp thực phẩm dinh dưỡng và nơi trú ẩn an toàn, đồng thời sẽ làm suy yếu những tiến bộ sức khỏe toàn cầu mà chúng ta đã thực hiện trong hàng thập kỷ qua”.
Báo cáo cũng cho thấy rằng, lợi ích kinh tế của việc sức khỏe được cải thiện sẽ gấp đôi chi phí kinh tế bỏ ra cho việc giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu và chống ô nhiễm không khí. Lợi tức đầu tư thậm chí còn cao hơn ở các quốc gia quan trọng cần giải quyết lượng khí thải toàn cầu, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tiếp xúc với ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm và chi phí ước tính khoảng 5,11 nghìn tỷ USD trong các khoản phúc lợi xã hội trên toàn cầu. Ở 15 quốc gia có phát thải khí nhà kính cao nhất, tác động đến sức khỏe của ô nhiễm không khí được ước tính chiếm hơn 4% GDP. Ngược lại, các hành động để đáp ứng hiệp định khí hậu Paris về việc kiềm chế nhiệt độ tăng ở mức dưới 2 độ C sẽ chỉ tốn khoảng 1% GDP toàn cầu, WHO cho biết.
Xét về mặt sức khoẻ, giảm thiểu biến đổi khí hậu là một cơ hội, không phải là một chi phí, Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Y tế Công cộng của WHO nhấn mạnh.
Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là đốt nhiên liệu hóa thạch, cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và là nguyên nhân quan trọng gây nguy hại đến sức khỏe con người trên toàn thế giới.
Việc chuyển sang các nguồn năng lượng carbon thấp sẽ không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn cung cấp thêm cơ hội cho các lợi ích sức khỏe ngay lập tức. Ví dụ, lựa chọn cách vận chuyển chủ động như đi xe đạp sẽ giúp tăng cường hoạt động thể chất, từ đó có thể giúp ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường, ung thư và bệnh tim.
Tố Quyên (Lược dịch từ UN)