Xe container tại cảng Auckland, New Zealand. Ảnh: Reuters
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gồm 11 quốc gia thành viên được dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 1/2019, sau khi có ít nhất 6 trong 11 quốc gia ký kết hoàn tất việc thông qua hiệp định này vào tháng 11 tới, tạo ra một khối thương mại tự do đa phương, chiếm 15% thương mại toàn cầu.
New Zealand, Australia, Việt Nam và Canada đang trên đà chuẩn bị hoàn thành quá trình phê chuẩn vào tháng 11, sau khi Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn hiệp định thương mại này. Được biết, CPTPP sẽ chính thức đi vào hiệu lực sau 60 ngày, khi có 6 quốc gia thành viên trở lên thực hiện việc phê chuẩn.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand, ông David Parker nói với Quốc hội New Zealand hồi tuần trước rằng, Chính phủ New Zealand hy vọng sẽ phê chuẩn CPTPP "trong những tuần tới".
Trong khi đó, Thượng viện Australia hồi tuần trước đã phê chuẩn việc thông qua hiệp định thương mại này, chỉ còn lại các thủ tục kỹ thuật để tiến tới việc phê chuẩn chính thức CPTPP.
Việt Nam vào ngày 22/10 cũng bắt đầu trình Quốc hội xem xét, và quyết định phê chuẩn dự kiến được đưa ra trước ngày 12/11. Khẳng định trong chuyến thăm đến Nhật Bản hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang nỗ lực trở thành một trong sáu quốc gia thành viên đầu tiên phê chuẩn hiệp định.
Bên cạnh đó, Canada dự kiến sẽ kết thúc các cuộc thảo luận Quốc hội trong tuần này, với các kế hoạch hoàn thành quá trình phê chuẩn vào giữa tháng 11.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 thành viên sẽ bao gồm 13% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu khi chính thức có hiệu lực.
Ngoài ra, 99,9% xuất khẩu công nghiệp và 98,5% xuất khẩu nông sản của Nhật Bản sẽ được hưởng quyền tiếp cận thị trường miễn thuế. Đối với xe ô tô, mức thuế 6,1% của Canada sẽ được dỡ bỏ trong 5 năm, và thuế suất 70% của Việt Nam đối với các dòng xe có dung tích lớn sẽ được bãi bỏ trong vòng 10 năm.
Đáng chú ý, sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, Bộ trưởng của các quốc gia thành viên sẽ nhóm họp để thảo luận về việc mời các quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia hiệp định, chẳng hạn như Thái Lan và Vương quốc Anh. Việc mở rộng số lượng quốc gia thành viên được nhắm mục tiêu thực hiện sớm nhất vào giữa năm 2019.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei)