Đầu bếp Massimo Bottura (Ảnh: AFP)
Theo Telegraph, ý tưởng trên do đầu bếp Massimo Bottura đến từ Italy và đầu bếp David Hertz đến từ Brazil vận dụng lại từ một sáng kiến ở Italy vào năm ngoái khi 65 đầu bếp cùng nhau nấu các bữa ăn từ các nguyên liệu của triển lãm Milan World Expo.
Nhóm đầu bếp của ông Bottura đặt mục tiêu nấu 5.000 suất ăn hàng ngày từ số thức ăn thừa lấy ở làng Olympic tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil, nơi 11.000 vận động viên của các nước đến tham dự Thế vận hội đang sinh hoạt.
Theo ông Hertz, nhóm các đầu bếp quốc tế sẽ chỉ sử dụng các nguyên liệu còn tốt nhưng có thể bị lãng phí nếu vứt đi như trái cây và rau củ có hình dạng không được đẹp mắt, hay sữa chua chuẩn bị hết hạn vì chúng chỉ để được trong vòng 2 ngày nếu không được sử dụng.
“Chúng tôi muốn giúp mọi người chống lại cơn đói và tiếp cận với thức ăn ngon”, ông Hertz cho biết.
Nhóm các đầu bếp sẽ tiếp tục kéo dài dự án cho tới hết thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic, sau đó sẽ đưa mô hình này hoạt động theo kiểu “doanh nghiệp xã hội”. Doanh nghiệp này cũng sẽ nhận đào tạo các nhân sự làm việc trong nhà hàng như đầu bếp, thợ nướng bánh hay bồi bàn.
Đầu bếp David Hertz cho biết ông muốn dự án này tiếp tục được nhân rộng ở các thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic vào các năm sau.
Ước tính có khoảng 30 - 40% lượng thực phẩm được sản xuất ra trên toàn thế giới nhưng không được sử dụng do bị hư hỏng sau khi thu hoạch hoặc trong quá trình vận chuyển hay bị các cửa hàng và khách hàng vứt đi. Trong khi đó có gần 800 triệu người trên thế giới phải nhịn đói mỗi ngày, theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc. Tính riêng ở Brazil, hàng triệu người hiện nay vẫn không có đủ thức ăn để duy trì cuộc sống qua ngày.
Theo Dantri