|
|
Những bì thức ăn thừa được gói cẩn thận trên hàng rào để ai cần đến nhận |
Chúng tôi đến đầu hẻm số 43, ngõ 69 kiệt 131 Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP. Huế vào khoảng 9h sáng. Trên hàng rào B40 của dãy phòng trọ gần đó, có một bì cơm lớn. Chị Hồ Thị Ty, sinh sống tại tổ 6, phường Phước Vĩnh cũng vừa chạy xe máy đến, ánh mắt chị sáng lên niềm vui. Chị đến hàng rào lấy bì cơm mang về cho gà ăn. Chị Ty chia sẻ, hằng ngày chị vẫn đến đây để nhận những bì thức ăn thừa trên hàng rào này. Ngày nhiều, ngày ít. Những hôm có nhiều, chị tiết kiệm được khoảng từ 20- 50 nghìn đồng mua thức ăn cho đàn gà 20 con. Với chị, đó là một khoản tiền không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, ở tại số nhà 77 kiệt 93 đường Đặng Huy Trứ - TP. Huế cho biết: Sinh sống trong các tuyến đường kiệt nhỏ, nhiều chỗ chỉ vừa hai xe máy tránh nhau. Người dân ở 2 tuyến kiệt này thường xuyên nhắc nhở nhau trong việc bảo vệ môi trường sống, trong đó có việc phân loại rác thải. Hằng ngày, trong khi chuẩn bị thức ăn cho gia đình và sau bữa cơm, các thức ăn như: cơm, cháo, đầu vỏ tôm, rau già, ruột cá… được các gia đình gói cẩn thận vào bì và treo ở vị trí thuận lợi, vừa tầm mắt. Các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ xung quanh sẽ đến lấy về. Ông Thắng cho biết, việc này không hề ảnh hưởng đến môi trường, bởi nhu cầu thức ăn chăn nuôi của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn rất lớn. Chúng tôi treo trên hàng rào hoặc cổng ở vị trí vừa tầm mắt và tầm với, thuận tiện thời gian lúc nào họ đi ngang thấy sẽ chủ động lấy, tránh tâm lý e ngại, xấu hổ. “Có ngày chúng tôi vừa treo thì ngay lập tức có người dừng xe máy nhận về”, ông Thắng nói. Các rác thải còn lại của gia đình cũng được người dân gói ghém cẩn thận, bỏ vào xô có nắp đậy hoặc bỏ vào bao kín đặt ở dưới đất, để các công nhân công ty môi trường thu gom theo giờ quy định.
Nhiều nơi, rác thải chưa được các gia đình quan tâm đúng mức trong việc vứt bỏ, phân loại. Nhiều người cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Vì vậy, họ đổ rác chung với nhau dẫn đến lượng rác thải thu gom hàng ngày rất lớn. Việc phân loại rác thải sau khi thu gom càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác và người thu gom. Các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện việc tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý, chôn lấp rác thải được dễ dàng, tiết kiệm hơn.
Quan niệm của nhiều người, thức ăn, đặc biệt là cơm, gạo được xem là hạt ngọc của trời, càng không nên bỏ phí. Hơn nữa, các thức ăn thừa khi đổ lẫn với rác thải còn tạo nên mùi hôi thối khó chịu. Việc phân loại thức ăn thừa của người dân tại các tuyến kiệt phường Phước Vĩnh là việc làm có ý nghĩa góp phần xây dựng thành phố văn minh, đô thị xanh cần được nhân rộng.