ClockChủ Nhật, 09/09/2018 17:54

Điện lưới thông minh: Tương lai của hệ thống năng lượng

TTH.VN - Theo một báo cáo năm 2018 của hãng Telecoms and Computing Market Reports, thị trường điện lưới thông minh trong khu vực Đông Nam Á liên tục phát triển và chứng minh những lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng và các nhà cung cấp quy mô lớn.

Thách thức đối với năng lượng tái tạo ở ASEANỨng dụng công nghệ giúp tăng năng suất các trang trại nhỏCác nước trong Hiệp định RCEP sẽ ký thỏa thuận thương mại điện tử vào tháng 11

Một khu nhà máy điện gió trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Ngày càng có nhiều người được tiếp cận với điện ở các quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều này thúc đẩy Chính phủ các nước xem xét việc triển khai điện lưới thông minh. Một báo cáo năm 2016 do hãng Northeast Group công bố dự báo, khu vực này sẽ đầu tư 24,6 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng điện lưới thông minh trong giai đoạn 2016-2026.

Các quốc gia như Singapore và Malaysia hiện có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển điện lưới thông minh. Khu vực Đông Nam Á đang thu hẹp khoảng cách thị trường giữa khu vực và các quốc gia phát triển khác.

Nhiều tiện lợi

Các điện lưới cũ cung cấp điện cho hộ gia đình và khu thương mại hầu như không hiệu quả và không thể đáp ứng ngay các nhu cầu điện ngày nay. Điều này thúc đẩy sự chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng thân thiện với môi trường và hiệu quả hơn.

Điện lưới thông minh là chìa khoá của sự chuyển đổi này.

Điện lưới thông minh là điện lưới điều khiển thông minh các khía cạnh khác nhau của việc phân phối điện một cách hiệu quả từ nguồn cung cấp tới người dùng cuối. Điều này đạt được thông qua đồng hồ, cảm biến thông minh và nguồn năng lượng tái tạo, giúp đảm bảo quản lý nguồn điện phù hợp.

Một điện lưới thông thường cung cấp điện cho nhà cung cấp dịch vụ, để cung cấp điện cho người tiêu dùng, sau đó lập hóa đơn vào cuối thời gian quy định. Tuy nhiên, điện lưới thông minh có cảm biến phát hiện và gửi thông tin về việc sử dụng điện cho nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng.

Thông tin này sau đó có thể được sử dụng để theo dõi và cải thiện hiệu quả sử dụng điện. Chẳng hạn như, với thông tin sử dụng điện, một nhà cung cấp dịch vụ sẽ có thể phân bổ nguồn điện tốt hơn cho phù hợp tùy thuộc vào các mô hình nhu cầu trong suốt cả ngày. Đôi khi, với việc sử dụng cảm biến và máy tính nối mạng, điều này có thể được thực hiện tự động.

Bên cạnh đó, người dùng thương mại và dân cư có tấm pin mặt trời trên mái nhà hoặc tua-bin gió tại nhà có thể nạp điện dư thừa vào lưới điện. Điều này không chỉ làm giảm đáng kể chi phí điện, mà còn làm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Điện lưới thông minh ở Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu về điện lưới thông minh chủ yếu là Singapore và Malaysia.

Singapore là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ điện lưới thông minh trên thế giới kể từ khi triển khai dự án Hệ thống Năng lượng Thông minh (IES), một dự án thí điểm điện lưới thông minh 2 giai đoạn, bao gồm một hệ thống phân phối điện tự động nâng cấp cùng điều khiển kỹ thuật số từ xa.

Trong năm 2016, nhà cung cấp dịch vụ của Singapore, Singapore Power đã ký kết một thỏa thuận trị giá 7,4 triệu USD với tập đoàn đa phương 3M của Mỹ về cảm biến điện lưới và phân tích dữ liệu. Singapore cũng hợp tác với General Electric (GE) để số hóa các trạm biến áp của quốc gia này.

Trong khi đó, nhà sản xuất điện quốc gia Malaysia, Tenaga Nasional Berhad (TNB) bắt đầu làm việc về Điện lưới của Tương lai (Grid of the Future), giới thiệu các giải pháp tự động và thông minh với chi phí điện lưới thấp hơn.

Các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Brunei, Indonesia và Philippines cũng đang thực hiện các bước đi đúng hướng để triển khai các điện lưới thông minh trong nước.

Thái Lan đầu tư 5,6 tỷ USD cho các dự án điện lưới thông minh đến năm 2036. Brunei đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cũng đang chuyển hướng tập trung vào công nghệ điện lưới thông minh.

Gần đây, Việt Nam đã ký kết hợp tác với Hàn Quốc về năng lượng tái tạo và phát triển điện lưới thông minh. Nhà phân phối điện Philippines, Manila Electric Co. (Meralco) cũng bắt đầu chuyển sang Hạ tầng đo lường nâng cao (AMI). Tương tự, Indonesia cũng đang chú ý đến việc cải tạo cơ sở hạ tầng điện hiện tại và áp dụng điện lưới thông minh để ngăn chặn tình trạng mất điện.

Trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á nắm lấy các công nghệ tương lai, ngành sản xuất điện cũng cần đón đầu tương lai. Điện lưới thông minh là con đường tiến tới việc đạt được điều này.

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top