ClockThứ Sáu, 03/03/2017 14:41

EU dự tính tăng cường trục xuất người nhập cư trái phép

Ủy ban châu Âu ngày 2/3 công bố kế hoạch tăng cường trục xuất những người nhập cư trái phép, song sẽ vẫn hỗ trợ những người “thực sự có nhu cầu”.

LHQ, châu Âu phản đối lệnh cấm nhập cư của Tổng thống MỹThỏa thuận nhập cư EU-Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục bằng mọi giáThủ tướng Hungary kêu gọi đấu tranh thay đổi luật nhập cư của Châu Âu​Bà Merkel kêu gọi châu Âu tiếp nhận thêm người nhập cưOSCE cần thay đổi để đối phó với nạn khủng bố & nhập cư

Trong bản “kế hoạch hành động” gửi tới các nước thành viên, Ủy ban châu Âu một lần nữa gia tăng sức ép với các quốc gia thành viên khi cảnh báo sẽ trừng phạt những nước từ chối tiếp nhận người tị nạn, đồng thời kêu gọi tăng cường các biện pháp quốc gia chống lại những người nhập cư bất hợp pháp.

 

eu manh tay truc xuat nguoi nhap cu trai phep hinh 1
Người nhập cư trái phép sẽ khó có cơ hội đặt chân đến EU hơn. Ảnh: DPA

Cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu này cũng đề ra 2 hướng giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay. Đó là một mặt phát triển “các mối quan hệ đối tác” với một loạt nước châu Phi để kiểm soát “đầu ra” của luồng người nhập cư, mặt khác đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư không xin được quy chế tị nạn. 

Những biện pháp này được xem là nhằm đối phó với luồng người nhập cư không có dấu hiệu giảm bớt đang ồ ạt đổ vào các vùng bờ biển của Italia và sự mong manh của thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm lượng người di cư vào châu Âu qua biển Egea. 

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề nhập cư Dimitris Avramopoulos cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là giảm số lượng người di cư bất hợp pháp thông qua việc xác định rõ ràng những người nhập cư không cần được bảo vệ và những người không có quyền ở lại Liên minh châu Âu, cũng như gửi đi thông điệp rằng họ không nên thực hiện một hành trình nguy hiểm như thế để vào châu Âu một cách bất hợp pháp”.

Theo ông Avramopoulos, Ủy ban châu Âu sẽ không ngần ngại trừng phạt những nước từ chối tiếp nhận người xin tị nạn từ Italy và Hy Lạp. Tới nay, Ủy ban châu Âu mới chỉ ưu tiên cho việc đối thoại nhằm thuyết phục các nước thành viên. 

Khoảng 13.500 người xin tị nạn đã được tái bố trí tại các nước thành viên, trong đó hơn 9.000 người là từ Hy Lạp. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với cam kết hồi tháng 9/2015 của các nước thành viên là sẽ tiếp nhận 160.000 người trong 2 năm.

Hơn 530.000 người nhập cư vào Liên minh châu Âu nằm trong diện bị trục xuất năm 2015, song tới nay chỉ có 36,4% trong số này được thực hiện. Theo Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên cần rút ngắn thời hạn khiếu nạn đối với những người không đồng tình với quyết định trục xuất, thậm chí có thể bắt giam những người cố ý không thực hiện quyết định và thời gian giam giữ có thể lên đến ít nhất 6 tháng. 

Ủy viên châu Âu Avramopoulos nói: “Một chính sách trục suất hiệu quả những người nhập cư trái phép cần phải được bắt đầu tại Liên minh châu Âu, cần phải đảm bảo những mục tiêu đã đặt ra. Ví dụ như, chỉ có 36% trong số những người trong diện bị trục xuất được thực hiện trong năm  2015, song chúng ta không cần đưa ra các quy định hay yêu cầu mới. Chúng ta chỉ cần thực hiện tốt các quy định hiện nay, phối hợp với tất cả các nước thành viên.”

Theo phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Frank Timmermans, nghĩa vụ của Liên minh châu Âu đó là phát đi một thông điêp mạnh mẽ với những người nhập cư, với các đối tác ở các nước thứ 3 và với công dân Liên minh châu Âu rằng, châu Âu sẽ giúp đỡ những người cần hỗ trợ, còn nếu không họ sẽ phải rời đi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này với Liên minh châu Âu đó là làm thế nào để sớm đạt được thỏa thuận tái tiếp nhận với các nước thứ 3 và làm thế nào để kêu gọi được sự tham gia tích cực của các nước thành viên. 

Trong một phản ứng mới nhất, chính phủ các nước Hungary, Áo và  Ba Lan hôm qua đã một lần nữa từ chối tham gia chương trình này, trong khi các quốc gia khác như Cộng hòa Séc, Bulagria, Croatia và Slovakia tuyên bố sẽ chỉ tham gia một cách hạn chế./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top