Các nhà nghiên cứu thu thập gia cầm nhiễm cúm tại một trang trại ở Incheon ngày 26/12/2016. Ảnh: Yonhap
"Những người lao động tham gia tiêu huỷ và chôn gia cầm bị dịch ở các vùng nông thôn có tiếp xúc trực tiếp với virus, họ mang nguy cơ nhiễm bệnh cao", đại diện Đảng Dân chủ đối lập Kim Hyun-kwon nói, đồng thời cho rằng chính phủ nên đưa ra với các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, ít nhất 3.400 công chức và 19.000 thường dân đã tham gia vào việc tiêu hủy và chôn gia cầm bị nhiễm bệnh tại 42 địa điểm trên toàn quốc trong vòng 40 ngày qua, kể từ khi virus này được phát hiện đầu tiên ở tỉnh Nam Chungcheong.
Koreaherald cho biết, đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về tình trạng lây nhiễm dịch bệnh này ở người tại Hàn Quốc.
Trong khi chính quyền địa phương chủ yếu chịu trách nhiệm cử người đến làm việc tại các trang trại gia cầm nhiễm bệnh, các quan chức quân sự nói rằng họ cũng gửi lực lượng hóa học của quân đội tới các khu vực bị ảnh hưởng ở Nam Gyeongsang và Bắc Jeolla kể từ tuần trước, do thiếu nhân lực.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc khẳng định hồi tuần trước rằng, chính phủ đã phân loại khoảng 13.000 công nhân tại các khu bùng nổ dịch bệnh như là nhóm có nguy cơ cao, để nhận được sự giám sát của nhà nước, và giúp họ được tiêm chủng.
Cơ quan kiểm dịch nói thêm rằng, họ cũng cấp cho công nhân các loại thuốc kháng virus như Tamiflu và quần áo bảo hộ để bảo vệ bản thân chống lại sự bùng phát dịch bệnh này sang người.
Được biết, bệnh cúm gia cầm độc lực cao đang lan rộng với tốc độ chưa từng có trên toàn quốc, sau khi đã quét qua các nước láng giềng vào đầu năm nay, làm hơn 20 người thiệt mạng.
Ở Trung Quốc, đã có 16 người nhiễm virus H5N6 kể từ năm 2014, dẫn đến cái chết của 10 nạn nhân nhiễm bệnh.
Cho đến nay, cơ quan chức năng cho biết 26 người trong nhóm có nguy cơ cao đã báo cáo các triệu chứng giống như cúm, nhưng không ai trong số họ được xác nhận là có virus.
Chủng cúm gia cầm H5N6 độc lực cao hiện đang được kiểm tra tại Viện Nghiên cứu Môi trường nhằm tìm hiểu xem liệu chúng có thể lây sang người hay không, cơ quan chức năng nói thêm.
Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm hiện nay đã nghiêm trọng hơn so với hồi năm 2014 - thời điểm mà 13.960.000 gia cầm đã bị tiêu huỷ trong vòng 6 tháng.
Tính đến nay, con số kỷ lục 10 triệu con gà, vịt và chim cút đã bị tiêu hủy trên toàn quốc, và khoảng 3,78 triệu con khác đang trong tình trạng chờ xử lý.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Koreaherald & Reuters)