Ô tô đang chờ xuất khẩu tại thành phố Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: EPA-EFE
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, hiệp định mang tính bước ngoặt giữa EU và Nhật Bản chứng minh cho thế giới tầm quan trọng của thương mại tự do.
Hiệp định đối tác kinh tế quan trọng này có hiệu lực ngay sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực giữa 11 quốc gia thành viên, trong đó có Nhật Bản, Australia và Canada từ tháng 12/2018.
Chính phủ Nhật Bản ước tính, hai hiệp định thương mại nói trên sẽ nâng tổng sản phẩm quốc nội thực sự của quốc gia này lên khoảng 2,5% (tương đương khoảng 13 nghìn tỷ yên), và tạo ra khoảng 750.000 việc làm mới.
Bên cạnh đó, cả Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị để tiến hành các cuộc đàm phán toàn diện về các hiệp định thương mại với Mỹ, đồng thời hy vọng EPA giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu sẽ giúp họ mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán này.
Hiệp định thương mại EU- Nhật Bản đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản và những loại hàng hóa khác của Mỹ sang Nhật Bản sẽ gặp bất lợi so với các loại hàng hóa đến từ EU, do thuế quan và những lý do khác.
Chính phủ Nhật Bản muốn sử dụng hiệp định thương mại với EU và CPTPP để tạo lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ở khu vực Đông Á, sẽ bao gồm 16 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được hiệp định này trong năm nay.
Theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản-EU, Nhật Bản cuối cùng sẽ loại bỏ thuế quan đối với khoảng 94% hàng hoá nhập khẩu từ EU; trong khi đó, EU sẽ loại bỏ thuế quan đối với khoảng 99% hàng hoá nhập khẩu từ Nhật Bản.
Đáng chú ý, Nhật Bản đã ngay lập tức cắt giảm thuế quan đối với rượu nhập khẩu từ khu vực châu Âu.
Từ ngày 1/2, các siêu thị lớn và những cửa hàng khác trên khắp Nhật Bản đã hạ giá rượu từ Pháp và các quốc gia khác, đồng thời sẽ thúc đẩy doanh số bán những loại thực phẩm được sản xuất ở khu vực châu Âu bằng cách thiết lập các khu vực dành cho những sản phẩm này.
Ngoài các loại hàng hóa và sản phẩm, hiệp định thương mại giữa Nhật Bản và EU cũng sẽ tăng cường mối quan hệ song phương trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Hiệp định này cũng cấm đánh thuế đối với việc truyền dữ liệu điện tử và tuyên bố cả hai bên sẽ bảo vệ các “chỉ dẫn địa lý” nêu rõ quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm nông nghiệp.
Hơn nữa, Nhật Bản và EU xem mức độ bảo vệ đối với thông tin cá nhân của Tokyo và Brussels là như nhau; vì vậy, họ cho phép cả hai bên đưa thông tin cá nhân qua biên giới.
Trước đó vào năm 2018, EU đã thực hiện Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với thông tin cá nhân. EPA sẽ giúp các công ty hoạt động tại Nhật Bản và châu Âu xử lý dữ liệu khách hàng và các dữ liệu khác một cách dễ dàng hơn.
Lê Thảo (Lược dịch từ The Japan News & ANN)