ClockChủ Nhật, 25/09/2016 06:27

Khai mạc hội nghị thế giới về động vật hoang dã ở Nam Phi

TTH.VN - "Việc khai thác một số loài động thực vật hiện đang ở mức cao và việc mua bán các loài này có khả năng làm suy giảm số lượng rất lớn, thậm chí đẩy một số loài đến mức gần như tuyệt chủng", Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cảnh báo.

Thế giới kêu gọi các nước đóng cửa thị trường ngà voi nội địa

Ngà voi bất hợp pháp bị bắt giữ ở Singapore. Ảnh: AFP

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, hội nghị lớn nhất thế giới về động vật hoang dã quốc tế đã khai mạc hôm qua (24/9) tại thủ đô Johannesburg đất nước, với cảnh báo về những hậu quả thảm khốc nếu không chấm dứt được nhu cầu bất hợp pháp về ngà voi, sừng tê giác và hàng trăm loài động vật hoang dã nguy cấp khác và cây cối.

Trong 12 ngày tới, hàng ngàn nhà bảo tồn và các quan chức chính phủ hàng đầu sẽ cùng nhau thảo luận để tìm ra giải pháp về những quy định thương mại quốc tế nhằm bảo vệ các loài động thực vật khác nhau, trong đó, thực trạng về tê giác và voi ở châu Phi - các mục tiêu để lấy sừng và ngà, dự kiến ​​sẽ là chủ đề thống trị nhiều cuộc hội thảo.

Theo AFP, việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang bùng nổ đã gây áp lực rất lớn cho một hiệp ước hiện có chữ ký của hơn 180 quốc gia - Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Khai mạc hội nghị, Tổng thống Zuma nhấn mạnh rằng, các quốc gia cần phải hợp tác cùng nhau để đưa một số loài động, thực vật trở lại từ bên bờ vực thẳm. "Việc khai thác một số loài động, thực vật hiện đang ở mức cao và việc mua bán các loài này có khả năng làm suy giảm số lượng rất lớn, thậm chí đẩy một số loài đến mức gần như tuyệt chủng", Tổng thống Zuma cảnh báo.

Một liên minh 29 quốc gia châu Phi đang gây sức ép với yêu cầu chấm dứt việc buôn bán ngà voi nhằm kiềm chế nạn săn bắn trộm voi, tuy nhiên một số đại biểu khác cho rằng, điều này sẽ chỉ càng làm gia tăng việc kinh doanh trái phép.

Một cuộc điều tra gần đây cho thấy, tổng số lượng voi thảo nguyên đã giảm 30% trong vòng 7 năm qua.

Trong một bài phát biểu trước CITES tuần này, Hoàng tử Anh William cho biết, các cuộc điều tra khẳng định rằng "một trong những loài động vật quý giá nhất hành tinh của chúng ta đang trên đà tuyệt chủng dưới bàn tay của những kẻ săn trộm và buôn bán".

Theo số liệu từ CITES, việc buôn bán trái phép động vật hoang dã được định giá lên đến khoảng 20 tỷ USD/năm. Nó được xếp vào danh sách các ngành kinh doanh bất hợp pháp lớn nhất thế giới cùng với vũ khí, hàng giả, ma túy và buôn người.

Về nạn buôn bán sừng tê giác, CITES đã cấm ngành thương mại này cách đây 40 năm, nhưng lệnh cấm đó không làm giảm được tình trạng săn bắn bất hợp pháp, vốn lại đang bùng nổ ở Nam Phi trong thời gian gần đây.

Khoảng 5.000 con tê giác trắng - chiếm khoảng 1/4 tổng số lượng - đã bị giết hại trong 8 năm qua, với phần lớn ở Nam Phi, nơi có đến 80% lượng tê giác trên thế giới.

Việc săn bắt trộm tê giác được thúc đẩy bởi nhu cầu vô độ ở một số nước châu Á để lấy sừng, với suy nghĩ sai lầm và tai hại cho rằng chúng có thể dùng làm thuốc chữa nhiều thứ bệnh, thậm chí cả ung thư.

Được biết, Trung Quốc hiện đang tiến hành các bước để kiềm chế nhu cầu trong nước về ngà voi. "Trung Quốc đã có những động thái quan trọng để chống buôn bán trái phép động vật hoang dã", Tổng thư ký của CITES Scanlon nói với các phóng viên, cho biết thêm rằng nước này đã bắt đầu khởi tố những người liên quan trong ngành thương mại bất hợp pháp này và làm giảm nhu cầu bằng cách đóng cửa thị trường bán lẻ nội địa.

Các loài khác cũng nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt của CITES là cá đuối quỷ, tắc kè đá, ếch cà chua và vẹt xám châu Phi.

Tổng thư ký Scanlon cũng cảnh báo rằng, nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang "xảy ra trên quy mô công nghiệp, được điều khiển bởi các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia".

Theo AFP, bên cạnh chủ đề về động vật hoang dã, gỗ cũng là một trọng tâm của hội nghị lần này.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & Dailymail)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nói không với thịt thú rừng

Sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD).

Nói không với thịt thú rừng
Khai mạc triển lãm "Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người"

Hoạt động trên được Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và Helvetas phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức sáng 7/6 tại Nhà Thiếu nhi Huế trong khuôn khổ Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn ĐDSH” (VFBC).

Khai mạc triển lãm Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người
Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cảnh báo:
“Tác hại chưa từng thấy đối với thiên nhiên” từ nạn buôn bán động vật hoang dã

Bất chấp hai thập kỷ nỗ lực trên toàn thế giới, hơn 4.000 loài động vật hoang dã quý giá vẫn trở thành nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã hàng năm, một báo cáo mới của Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho thấy.

“Tác hại chưa từng thấy đối với thiên nhiên” từ nạn buôn bán động vật hoang dã

TIN MỚI

Return to top