|
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cảnh báo về các thách thức của cách mạng 4.0 đối với ASEAN tại hội thảo ngày 9/6 ở Hà Nội - Ảnh: Q.Trung |
ASEAN vẫn chưa bắt kịp cách mạng 4.0
Thách thức từ cuộc cách mạng 4.0 đã được thảo luận tại nhiều cuộc họp trong khuôn khổ của ASEAN và gần đây nhất nó cũng đã được mổ xẻ tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN ở Campuchia vào giữa tháng 5-2017 với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao các nước Đông Nam Á, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong bài viết gửi đến diễn đàn WEF ASEAN, bà Shirley Santoso, chuyên gia cấp cao của Công ty tư vấn toàn cầu AT Kearney, cho rằng mỗi cuộc chuyển đổi cách mạng công nghiệp đều đặt ra yêu cầu phải thay đổi kỹ năng để đáp ứng điều kiện làm việc mới, và cuộc cách mạng 4.0 cũng không phải ngoại lệ.
“Những cuộc cách mạng trước được xem là cơ hội mở ra tăng trưởng và tạo thêm công ăn việc làm nhưng cuộc cách mạng 4.0 gây lo ngại có thể làm mất nhiều việc làm và dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao” - bà Shirley Santoso viết.
Bà Santoso thẳng thắn chỉ ra rằng các quốc gia ASEAN cho đến nay vẫn chưa bắt kịp cuộc cách mạng này và đó thực sự là một vấn đề khi Trung Quốc, một công xưởng của thế giới, đã có kế hoạch rõ ràng.
Bà đưa ra dẫn chứng rằng các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan đang từ từ nổi lên là trung tâm sản xuất của khu vực, một phần do các nhà đầu tư lo ngại về chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc.
Nhưng với việc Trung Quốc đưa ra kế hoạch “Made in China 2025” cùng với việc các nước ASEAN không có kế hoạch đối phó kỹ lưỡng sẽ khiến các trung tâm sản xuất quay trở lại Trung Quốc.
Sự chuyển đổi toàn cầu sang tự động hóa đang diễn ra sẽ tạo ra hai thách thức to lớn với các nước ASEAN. Thách thức đầu tiên là các quốc gia khác nhờ tự động hóa sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất. Hai là, một số lượng lớn các công việc ở ASEAN sẽ biến mất.
Gần đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo Việt Nam, Indonesia và Campuchia đang chứng kiến số lượng lao động cao nhất từ trước đến nay bị đe dọa bởi tự động hóa.
“Lấy ví dụ ngành sản xuất ôtô, ASEAN là nhà sản xuất ôtô lớn thứ 7 thế giới, với hơn 800.000 lao động được sử dụng, trong đó một phần lớn là những lao động kỹ năng thấp, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tự động hóa” - bà Santoso viết.
Tái đào tạo là yêu cầu cấp bách
Theo bà Santoso, Chính phủ Việt Nam và các nước khác trong khối cần thực thi các giải pháp và tầm nhìn chiến lược, tập trung vào đào tạo kỹ năng, phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn vốn. Các quốc gia ASEAN cần triển khai các chương trình xây dựng năng lực.
“Sự thành công của Hàn Quốc cho thấy với một chính phủ có tầm nhìn ủng hộ người dân và quan hệ khăng khít với khu vực tư nhân, lực lượng lao động có thể chuyển đổi dễ dàng để nắm bắt xu thế mới, qua đó mở ra những tiềm năng kinh tế khổng lồ” - bà Santoso nhận định.
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này sẽ tập trung các chính sách ưu tiên chuyển đổi khu vực sản xuất.
“Ví dụ như ngành sản xuất ôtô, cách mạng 4.0 có thể giúp gia tăng năng suất của các dây chuyền sản xuất. Thay vì sản xuất ra một loại ôtô, dây chuyền sản xuất này có thể tạo ra nhiều loại xe hơi khác nhau với nhiều màu sắc, đèn và thiết kế khác nhau” - ông
Hartarto nói.
Ngoài ra theo Bộ trưởng Airlangga Hartarto, Indoneisa cũng sẽ tập trung đào tạo cho người dân, nhất là giới trẻ, về Internet của vạn vật (Internet of Things), đồng thời tăng cường giáo dục dạy nghề.
Chính phủ Việt Nam cũng đã nhìn nhận những thách thức to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.
Tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, trong đó tập trung các nhóm giải pháp phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ...
Theo bà Santoso, Singapore là một trường hợp ngoại lệ trong ASEAN về sự chuẩn bị tốt để đón đầu làn sóng cách mạng 4.0 khi đã triển khai chương trình xây dựng năng lực thông qua sáng kiến Kỹ năng cho tương lai (SkillsFuture).
Đây là sáng kiến đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, biến công nghệ thành tác nhân quan trọng phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
4 thách thức của Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức to lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đầu tiên là trình độ phát triển. Ở Việt Nam có thể nhìn thấy nhiều cuộc cách mạng công nghiệp cùng lúc. Ví dụ như về sản xuất, có nơi áp dụng cách mạng công nghiệp 1, có nơi áp dụng cách mạng công nghiệp 2.0, 3.0. Cuộc cách mạng 4.0 xuất hiện và phát triển rất nhanh, cho nên việc đi tắt đón đầu hay nhảy vọt lên là điều không hề dễ dàng.
Thách thức thứ hai là nguồn nhân lực. Cách mạng 4.0 thể hiện trí thông minh con người qua những phát minh, sáng chế. Năng lực quản lý và ứng dụng các phát minh sáng chế mà cách mạng 4.0 mang lại ở Việt Nam cũng chưa rõ ràng.
Thứ ba là lề lối làm việc. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn lề lối sinh hoạt và quản lý nhằm tận dụng kết nối Internet vạn vật và trí tuệ thông minh. Tuy nhiên, phương thức sản xuất, cách sống và sinh hoạt hiện tại ở Việt Nam vẫn còn quá xa vời để tiếp cận được.
Thứ tư là cách mạng 4.0 sẽ triệt tiêu lao động giản đơn, nhất là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công. Điều này có thể sẽ tạo ra thất nghiệp, bất ổn xã hội.
|
Theo VOV