ClockThứ Năm, 14/04/2016 06:14

Khủng hoảng tài chính y tế đe dọa các nước đang phát triển

TTH.VN - Hàng triệu người ở các nước đang phát triển có nguy cơ thiếu thốn thậm chí cả những dịch vụ y tế cơ bản nhất, là kết quả của tình trạng chi tiêu trong nước dành cho y tế thấp và các khoản viện trợ quốc tế cho mảng y tế tăng trưởng chậm, các chuyên gia cho biết ngày hôm qua (13/4).
Tình trạng khó khăn về y tế ở nước Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Reuters

Gần một nửa trong số 80 quốc gia đang phát triển không có khả năng đáp ứng mục tiêu quốc tế về chăm sóc sức khỏe vào năm 2040 - chi 86 USD cho mỗi người trong mỗi năm - hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet chỉ rõ.

"Mặc dù nhu cầu rất lớn, nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sự tăng trưởng ảm đạm trong chi tiêu y tế, chủ yếu ở các nước nghèo với gánh nặng bệnh tật nghiêm trọng, sẽ khiến tình hình càng thêm khó khăn trong vòng 25 năm tới", ông Joseph Dieleman thuộc Viện Đánh giá và Đo lường Y tế Mỹ (IHME) cho biết trong một tuyên bố, và nói thêm rằng "những thay đổi trong việc phát triển và tập trung các khoản viện trợ quốc tế có thể gây tác động nghiêm trọng đến hơn 15 triệu người đang sử dụng liệu pháp kháng virus ở các nước đang phát triển và các dịch vụ y tế tại một số quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là ở châu Phi hạ Sahara, nơi HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét vẫn nằm trong số các mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe người dân".

Theo dự kiến, chi tiêu y tế toàn cầu ​​sẽ đạt 18,28 nghìn tỷ USD trong năm 2040, nhưng mức chi tiêu dành cho y tế của các quốc gia có thu nhập thấp sẽ chỉ đạt 3% so với ở các nước có thu nhập cao, các nhà nghiên cứu cho biết, khi các quốc gia có thu nhập cao được dự báo ​​sẽ dành trung bình khoảng 9.019 USD mỗi người cho lĩnh vực sức khỏe y tế vào năm 2040.

Chi tiêu dành cho y tế sẽ vẫn thấp nhất ở chính các nước cần những tiến bộ y tế lớn nhất, trong đoc có Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi, khi mức chi tiêu lần lượt ở 2 quốc gia này trong năm 2013 chỉ có 24 USD và 26 USD mỗi người, các nhà nghiên cứu cho biết.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tăng trưởng hàng năm trong viện trợ phát triển cho y tế (DAH) đã giảm xuống chỉ còn 1,2% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015, từ khoảng 11% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2009. Trong số các nước có thu nhập thấp, chỉ có Rwanda dự kiến đạt được mục tiêu chi tiêu y tế của chính phủ chiếm 5% GDP vào năm 2040, cùng với 1/3 trong số 98 quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà nghiên cứu nhận định.

Nghiên cứu, được tài trợ bởi Quỹ Bill và Melinda Gates Foundation, phân tích chi phí y tế ở 184 quốc gia trong giai đoạn từ 2013-2040, dựa trên các dữ liệu và xu hướng hỗ trợ phát triển từ những năm 1900 đến 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và IHME.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Newsunited)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top